Thông tin từ Airbnb Việt Nam, tính đến đầu năm 2019, số lượng Airbnb trong nước đã lên đến 40.804 phòng, tăng 40 lần chỉ sau 4 năm. Chào sân Việt Nam từ 2014, dịch vụ Airbnb trở nên sôi động hơn bao giờ hết, trở thành một kênh bán phòng hiệu quả với nhiều chủ nhà, homestay hay khách sạn nhỏ. Tuy nhiên, với tiềm năng thị trường lớn, không phải ai cũng có kinh nghiệm làm host trên Airbnb và tận dụng được tất cả lợi thế mà mình có để trở thành một host Airbnb thành công.
Nếu bạn đã và đang có mong muốn kiếm tiền từ Airbnb, bài viết về Kinh nghiệm làm host trên Airbnb: Trọn bộ từ A-Z (mới nhất 2019) sẽ chia sẻ cho bạn những thông tin vô cùng hữu ích.
Khái niệm cần biết
Airbnb (AirBed & Breakfast) là ứng dụng kết nối trực tiếp người có phòng (chủ nhà/ chủ phòng trọ/ căn hộ/ villas) cho thuê với người thuê phòng (đi du lịch/ nghỉ dưỡng/ công tác) cần tìm chỗ lưu trú, kể cả ngắn ngày hay dài ngày thông qua một ứng dụng. Được đánh giá cao vì giá rẻ, nhu cầu cao nên mô hình chia sẻ không gian này trên Airbnb đang được giới trẻ hoặc hộ gia đình có phòng trống, ít sử dụng tận dụng kinh doanh.
Host là các chủ nhà, chủ homestay, chủ khách sạn có phòng đăng bán trên Airbnb và Guest là khách thuê trọ. Còn listing chính là các loại phòng được host đăng bán. Khoản phí đối với chủ nhà ở mức 3% tổng giá trị đặt phòng, phí thu khách đặt phòng ở mức 6 – 12% và mức phí này sẽ hiển thị luôn trong quá trình khách sử dụng dịch vụ.
Host nên làm gì để thu hút nhiều khách trên Airbnb?
1.1. Sở hữu hình ảnh đẹp, hấp dẫn
Nội dung
- 1.1. Sở hữu hình ảnh đẹp, hấp dẫn
- 1.2. Đưa ra mức giá hợp lý
- 1.3. Viết phần mô tả có giá trị
- 1.4. Luôn chat với khách trên Airbnb càng sớm càng tốt
- 1.5. Phòng luôn sẵn sàng và sạch sẽ
- 1.6. Chuẩn bị bản đồ hướng dẫn đường đi cho khách
- 1.7. Thêm một số tiện ích bổ sung cho căn hộ/ phòng
- 1.8. Dán ghi chú tại những chỗ cần thiết
- 1.9. Gửi mail, tin nhắn xác nhận các thông tin quan trọng
- 1.10. Nhắc nhở khách review khi check out
- 2.1. Các tiêu chí để trở thành Superhost trên Airbnb
- 2.2. Các đặc quyền khi trở thành Superhost trên Airbnb
- 2.3. Làm thế nào để trở thành Superhost trên Airbnb?
- 3.1. Sự hài lòng của khách (Guest Satisfaction)
- 3.2. Giá (Absolute Price)
- 3.3. Mô tả chi tiết (Listing Word Count)
- 3.4. Số đêm tối thiểu (Minimum Stay Length)
- 3.5. Số ngày kể từ khi lịch được cập nhật (Days Since Calendar Updated)
- 3.6. Số hình ảnh (# of Pictures)
- 3.7. Độ dài tiêu đề (Description Length)
- 3.8. Số lượt đánh giá (Review Count)
- 3.9. Listing được nhiều người yêu thích (Saved To Wish List)
- 3.10. Host là Superhost (Is Superhost)
- 3.11. Tốc độ trả lời (Response Speed)
- 3.12. Phù hợp với khách doanh nghiệp (Is Business Ready)
- 3.13. Số khách tối đa (Guest Capacity)
- 4.1. Chỉ số giá phòng 1 đêm
- 4.2. Chỉ số số đêm lưu trú
- 4.3. Chỉ số các nguồn thu khác
- 5.1. Không giao dịch ngoài Airbnb
- 5.2. Cung cấp những gì mô tả trong listing
- 5.3. Liên hệ ngay với Airbnb khi gặp vấn đề với khách
Đây là yếu tố bắt buộc và tiên quyết nhất. Khi bạn đầu tư vào hình ảnh, tức là bạn đã trao cho khách hàng cơ hội hình dung rõ hơn về căn hộ của bạn từ đó đi đến quyết định book phòng nhanh chóng hơn. Một vài gợi ý để host có thể sở hữu những hình ảnh đẹp, thu hút khách hàng:
- Phòng gọn gàng, sạch sẽ, màu sắc hài hòa, không để những vật dụng không có tính trang trí vào làm rối bối cảnh.
- Nên chụp ảnh ban ngày, mở hết cửa và rèm để lấy ánh sáng tự nhiên, bật hết đèn khi chụp với những góc bị khuất, thiếu sáng.
- Nếu không book được thợ chụp ảnh chuyên nghiệp có thể tự chụp nếu có máy tốt, biết canh bố cục, góc chụp và nắm được kỹ thuật chụp.
- Hình phải được chỉnh sửa cẩn thận trước khi đăng tải kèm chú thích, giới thiệu rõ ràng.
- Setup căn hộ, phòng nghỉ và chụp tất cả mọi thứ, đảm bảo rằng, tất cả những chi tiết quan trọng đều được làm nổi bật, càng đẹp càng tốt.
1.2. Đưa ra mức giá hợp lý
Khi mới mở tài khoản trên Airbnb, host phải áp dụng chiến lược giá thâm nhập thị trường. Sau này, khi đã có nhiều review cùng lượng khách nhất định, giá thuê nên phụ thuộc vào khu vực. Host nên nghiên cứu thị trường, so sánh giá của các phòng, căn hộ cùng khu vực và cùng tính năng để đưa ra mức giá tốt nhất.
Ngoài ra, giá thuê còn phụ thuộc diện tích phòng cho thuê. Nếu chủ nhà cho thuê cả phòng thì giá khác và nhà 1 phòng share để cho thuê thì giá lại khác. Nếu có 1 căn nhà lớn có nhiều phòng, nên tách từng phòng ra làm từng listing riêng sẽ dễ có khách hơn vì đa số khách du lịch thường đi theo cặp nhiều hơn là 1 nhóm đông người.
1.3. Viết phần mô tả có giá trị
Khi host viết mô tả về căn hộ, phòng của mình, hãy chắc chắn rằng nó đã cụ thể và rõ ràng nhất bằng cách cập nhật nhiều nhất những tiện ích mà căn phòng bạn có. Ngoài những điều kiện tiêu chuẩn mà mọi căn phòng cần có, hãy tăng giá trị căn phòng bằng những dịch vụ, tiện ích mà bạn mang đến cho người thuê. Căn phòng gần trung tâm, giao thông thông thoáng, khăn tắm được thay hàng tuần hay ở gần các cửa hàng tiện lợi 24 giờ, có hồ bơi, có máy nước nóng hay 1 bữa ăn miễn phí đậm hương vị địa phương mỗi tối… tất cả sẽ khiến khách hàng có nhiều lý do chọn căn phòng của bạn hơn.
Đừng bỏ qua điều gì, hãy tận dụng tối đa mọi lợi thế mà bạn có. Ngoài ra, hãy đảm bảo bạn có một bản mô tả bằng tiếng Anh để khách quốc tế có thể dễ dàng nắm bắt nội dung mà bạn muốn truyền tải.
1.4. Luôn chat với khách trên Airbnb càng sớm càng tốt
Sau khi listings của bạn được đăng lên, hãy chắc chắn bạn đã tải ứng dụng Airbnb trên điện thoại. Nó sẽ giúp bạn cập nhật những tin nhắn mỗi khi có khách đặt phòng hoặc câu hỏi từ khách để bạn có thể phản hồi, giải quyết nhanh nhất có thể, vì có nhiều trường hợp Guest hỏi nhiều Host cùng lúc, Host nào trả lời nhanh thì sẽ khách sẽ chọn đặt phòng. Đồng thời, nó cũng sẽ là điểm cộng để khách hàng giới thiệu căn hộ, phòng của bạn cho bạn bè hoặc người thân.
Khi chat với khách, hãy trả lời một cách thân thiện và chuyên nghiệp, bằng ngôn ngữ riêng của họ nếu có thể hoặc tốt nhất là trả lời bằng tiếng Anh với khách nước ngoài. Dù bạn từ chối để người khác sử dụng dịch vụ của mình, cũng nên trả lời họ một cách lịch sự. Một mẹo nhỏ là host có thể chia 2 – 3 người cùng quản lý tài khoản Host để thay phiên nhau trả lời khách trong trường hợp người này bận, tránh để khách chờ lâu.
1.5. Phòng luôn sẵn sàng và sạch sẽ
Trên Airbnb, host sẽ rất khó kinh doanh nếu có booking bị hủy. Thuật toán của Airbnb sẽ giảm tỉ lệ hiển thị listing của host xuống thấp khiến cho bạn khó khăn trong việc thu hút khách mới. Một trong những lý do khiến khách hàng hủy booking là khi khách hàng tiềm năng của bạn book phòng nhưng bạn từ chối khách bởi phòng đã có người đặt trước nhưng bạn lại chưa đồng bộ lịch trên hệ thống. Tuyệt đối đừng bao giờ để điều đó xảy ra. Nó sẽ tạo ấn tượng rất xấu với khách hàng của bạn.
Với hệ thống quản lý kênh phân phối ezCms, bạn chỉ cần một vài click chuột, mọi thông tin về giá cả cũng như số phòng trống sẽ được cập nhật và đồng bộ hóa lên hệ thống giúp khách hàng có thể dễ dàng theo dõi phòng trống và lựa chọn chính xác nhất.
Bên cạnh đó, trên Airbnb còn có tiêu chí phòng sạch sẽ để khách lựa chọn và chấm điểm. Vì vậy, dù phòng của bạn không quá ấn tượng nhưng hãy luôn dọn dẹp sạch sẽ để khách luôn chấm bạn 5 sao về tiêu chí này.
1.6. Chuẩn bị bản đồ hướng dẫn đường đi cho khách
Khách đặt phòng trên Airbnb đa số là khách du lịch nước ngoài hoặc người nơi khác đến công tác. Vì vậy, để hỗ trợ khách tốt nhất, host nên đăng sẵn bản đồ chỉ đường trên Airbnb để khách hàng có thể di chuyển đến nơi ở dễ dàng hơn. Cũng có thể thêm một vài địa điểm du lịch và ăn uống nổi tiếng tại địa phương, từ những địa điểm đó di chuyển về căn hộ, phòng của mình bằng phương tiện nào là tiện nhất, đường nào nhanh nhất…
1.7. Thêm một số tiện ích bổ sung cho căn hộ/ phòng
Chỉ đơn giản là những thanh kẹo, ít bánh ngọt hay những tấm bưu thiếp về địa phương khi chào đón khách đến. Việc này sẽ để lại ấn tượng tốt cho khách hàng khi tới căn hộ của bạn. Trong thời gian khách lưu trú, nếu có thể mời họ một bữa ăn đồ bản địa tự nấu tại nhà hoặc trò chuyện cùng họ, trao đổi chia sẻ về văn hóa, phong tục địa phương… để gần gũi, mang lại cảm giác thân thiện hơn với khách.
1.8. Dán ghi chú tại những chỗ cần thiết
Tại những vị trí, thiết bị đặc biệt cần lưu ý trong phòng, bạn hãy dán các ghi chú để khách lưu ý và dễ dàng sử dụng hơn, đỡ mất thời gian bạn phải đích thân giải thích. Và nếu có vật dụng nào bạn không muốn khách động vào, đây cũng là cách để bảo vệ tài sản của bạn.
1.9. Gửi mail, tin nhắn xác nhận các thông tin quan trọng
Host cần gửi tin nhắn xác nhận ngay khi khách đặt phòng để thể hiện sự chuyên nghiệp, uy tín của mình. Các tin nhắn khác cần gửi bao gồm tin nhắn nhắc nhở 3 ngày trước khi cho thuê và tin nhắn cảm ơn sau khi khách hàng check-in. Có thể thêm vào các lưu ý và password cửa ra vào nếu có để lưu ý khách. Với những thông tin quan trọng được gửi bằng email hoặc tin nhắn, nếu có xảy ra bất kỳ tranh chấp hoặc khúc mắc gì đều có thể đưa ra làm bằng chứng để xác minh thông tin rõ ràng nhất.
1.10. Nhắc nhở khách review khi check out
Sau khi khách check out, bên cạnh việc chào và cảm ơn khách, hãy nhắc họ viết review cho bạn. Đồng thời, host muốn có nhiều review cũng phải viết review lại cho khách. Airbnb luôn gửi mail nhắc cả host lẫn khách viết review cho nhau trong vòng 14 ngày sau khi check out. Chỉ khi 2 bên viết review cho nhau xong thì Airbnb mới cho đăng công khai review của host và guest lên website, tránh trường hợp nhận xét về nhau không khách quan.
Nếu host lười không viết review cho khách sẽ là mất cơ hội có được review của khách trên listing của mình. Mà listing nào có càng nhiều review thì càng được khách tin tưởng và ưu tiên book hơn.
Làm thế nào để trở thành Superhost trên Airbnb?
2.1. Các tiêu chí để trở thành Superhost trên Airbnb
Mỗi quý, Airbnb sẽ tiến hành xét duyệt và trao danh hiệu Superhost cho những chủ thuê phòng đạt đủ 4 tiêu chí sau:
- Phục vụ tốt, khiến khách hài lòng: điểm rating trung bình từ 4.8 trở lên.
- Liên hệ dễ dàng: tỷ lệ trả lời khách trong vòng 24h đạt 90% các trường hợp.
- Hoạt động tích cực: có ít nhất 10 booking hoàn thành (khách đã đến ở) trong 1 năm hoặc có khách dài hạn ở hơn 100 đêm trên tổng 3 booking.
- Là Host đáng tin cậy: không tự hủy booking nào của Guest (trừ trường hợp bất khả kháng), cụ thể là tỷ lệ huỷ dưới 1%.
Danh hiệu Superhost sẽ được Airbnb xét lại mỗi quý nên các superhost cần liên tục duy trì 4 tiêu chí này. Chỉ cần không đạt 1 trong 4 tiêu chí thì bạn sẽ mất danh hiệu Superhost quý đó và sẽ phải cố gắng lấy lại trong quý sau.
Xem thêm:
- Airbnb là gì? Mô hình kết nối lưu trú phổ biến toàn cầu
- Kinh nghiệm bán phòng trên Airbnb khách sạn cần biết
2.2. Các đặc quyền khi trở thành Superhost trên Airbnb
Khi đã trở thành Superhost trên Airbnb, chủ Host sẽ nhận được những đặc quyền sau:
- Được Airbnb ưu tiên hỗ trợ việc liên hệ qua điện thoại hay Twitter@AirbnbHelp.
- Nếu sử dụng bộ lọc “Superhost”, Guest sẽ tìm thấy listing của bạn nhanh hơn.
- Được tặng Coupon $100 để đặt phòng trên Airbnb khi đi du lịch nếu duy trì được danh hiệu Superhost trong vòng 1 năm.
- Được Airbnb ưu tiên mời tham dự các event đặc biệt hoặc gửi thông báo về các sản phẩm mới.
2.3. Làm thế nào để trở thành Superhost trên Airbnb?
Khi bạn đã thực hiện tốt 10 tiêu chí để thu hút khách ở trên thì chắc chắn bạn sẽ trở thành Superhost trên Airbnb.
Host làm thế nào để tăng hạng (Ranking) trên Airbnb?
Airbnb sẽ áp dụng thuật toán tìm kiếm riêng, tổng hợp nhiều yếu tố dựa theo từng trọng số khác nhau để quyết định cho hiển thị Listing nào lên trước. Listing nào ở thứ hạng càng cao sẽ càng có nhiều cơ hội được Guest đặt phòng. Các yếu tố giúp Host tăng hạng (Ranking) trên Airbnb sẽ là:
3.1. Sự hài lòng của khách (Guest Satisfaction)
Đây là yếu tố quan trọng nhất giúp Host tăng hạng (Ranking) trên Airbnb được dựa vào số sao từ review của khách. Vậy nên để nhận được 5*, host phải thực sự khiến khách hàng hài lòng bằng cách:
- Cung cấp đầy đủ tiện nghi như đúng thông tin mô tả.
- Dọn dẹp vệ sinh phòng sạch sẽ trước khi khách đến.
- Không bắt khách phải chờ khi check-in.
- Hỗ trợ khách kịp thời khi khách hỏi thông tin hay báo cáo sự cố.
- Ảnh chụp phòng của Host trên Airbnb và thực tế phải giống nhau.
- Phục vụ tốt hơn mong đợi của khách.
- Khi làm thủ tục check out, nhờ Guest viết review về mình và ngay sau khi khách check out, nhanh chóng viết review về khách.
3.2. Giá (Absolute Price)
Với cùng 1 loại listing, ví dụ như 1 phòng ngủ, căn nào giá tốt sẽ được ưu tiên hơn. Thỉnh thoảng thì Airbnb cũng sẽ ưu tiên cho những new listing lên trang đầu, nhưng với những host mới đăng listing nên giảm giá 10 – 30% để sớm có khách book phòng và nhận được review. Sau khi đã nhận được hơn 10 review 5*, host dần dần nâng giá lên lại theo giá thị trường.
3.3. Mô tả chi tiết (Listing Word Count)
Khi đăng ký mở Listing mới trên Airbnb, Host cần mô tả thông tin càng chi tiết càng tốt. Bạn có thể tham khảo mô tả của các Superhost để có ý tưởng. Trong mô tả thường nói về:
- Tiện nghi, tiện ích trong phòng.
- Địa điểm tham quan du lịch, mua sắm xung quanh nhà.
- Lời khuyên cho khách khi đi du lịch (ăn, chơi, đi lại…)
Thông tin mô tả càng dài, chứng tỏ Host rất tận tình, sẵn sàng cung cấp cho khách nhiều thông tin giúp họ hiểu rõ hơn về nơi họ sắp đến.
3.4. Số đêm tối thiểu (Minimum Stay Length)
Host nên để tối thiểu là 1 đêm, vì dù chỉ ở qua đêm nhưng Host vẫn có cơ hội nhận được ít nhất review từ khách.
3.5. Số ngày kể từ khi lịch được cập nhật (Days Since Calendar Updated)
Airbnb sẽ ưu tiên hiển thị các listing có lịch được cập nhật thường xuyên, nghĩa là có nhiều khách book. Vì vậy, host cũng có thể thường xuyên cập nhật listing bằng cách điều chỉnh giá trên lịch để Airbnb biết host vẫn hoạt động và sẵn sàng tương tác với Airbnb cũng như với khách.
3.6. Số hình ảnh (# of Pictures)
Các listing càng nhiều hình ảnh đẹp càng thu hút, hấp dẫn khách hàng: hình từng căn phòng, từng góc trang trí, hình ban công, view nhìn ra khung cảnh xung quanh…
3.7. Độ dài tiêu đề (Description Length)
Độ dài tiêu đề càng dài và càng cụ thể thì sẽ càng được ưu tiên hiển thị trên Airbnb. Ví dụ: Modern 3BR with swimming pool, garden view and free car parking.
3.8. Số lượt đánh giá (Review Count)
Listing nào có nhiều lượt review hơn sẽ được ưu tiên hiển thị hơn, vì thế Host đừng bỏ qua đối tượng khách lưu trú chỉ 1 đêm.
3.9. Listing được nhiều người yêu thích (Saved To Wish List)
Listing nào được nhiều Guest yêu thích và lưu vào Wish List sẽ được Airbnb ưu ái hiển thị hơn các Listing khác.
3.10. Host là Superhost (Is Superhost)
Trong thuật toán tìm kiếm, Airbnb cũng sẽ ưu tiên cho các Listing của các Superhost lên trên vì sự uy tín và nhiều kinh nghiệm phục vụ hơn.
3.11. Tốc độ trả lời (Response Speed)
Host nào trả lời nhanh chóng các câu hỏi của Guest sẽ được Airbnb ưu tiên xếp Listing ở thứ hạng cao vì tiêu chí luôn sẵn sàng cung cấp thông tin kịp thời cho khách.
3.12. Phù hợp với khách doanh nghiệp (Is Business Ready)
Airbnb cũng sẽ ưu tiên hiển thị các Listing đáp ứng được các điều kiện phù hợp với khách doanh nghiệp như: điều hòa, minibar, két sắt, wifi, bàn làm việc, bàn ủi…
3.13. Số khách tối đa (Guest Capacity)
Listing mở cho càng nhiều khách càng tốt. Với nhóm khách đông, host có thể kê thêm sofa bed, cung cấp thêm nệm… và sau đó tính thêm tiền trong phần Additional Guests.
Host nên làm gì để tối đa hóa doanh thu từ Airbnb?
Trên Airbnb, host muốn tối đa hóa doanh thu để kinh doanh có lãi bắt buộc phải tăng thu hoặc giảm chi, khi kết hợp được cả 2 phương thức này thì hiệu quả đạt được là tốt nhất. Dựa vào Công thức tính doanh thu hàng tháng Host nhận được từ Airbnb là: Doanh thu = (Giá phòng 1 đêm x Số đêm lưu trú) + Các nguồn thu khác, để tăng doanh thu thì các host cần làm tăng các chỉ số thành phần.
Xem thêm:
- Nguy cơ nhiều khách sạn tại Việt Nam sẽ mất khách vì Airbnb
- 9 yếu tố cần lưu ý để bán phòng hiệu quả trên Airbnb
4.1. Chỉ số giá phòng 1 đêm
Nếu các host có phòng nghỉ với thiết kế đẹp, ấn tượng với nhiều tiện nghi đi kèm như rạp phim trong nhà, hồ bơi, phòng tập gym,.. cộng với vị trí địa lý đắc địa như view đồi núi, view biển, ngay trung tâm thành phố… thì vào mùa cao điểm như ngày lễ, tết, mùa hè nắng nóng… có thể thực hiện việc tăng giá phòng.
Đặc biệt, nếu host có phòng nghỉ gần biển, cuối tuần lượng khách book phòng thường cao hơn thì có thể sử dụng chính giá Weekend Price Per Night để tăng giá phòng. Trước khi tính đến việc tăng giá phòng để tăng doanh thu, Host cần xác định được mức giá chuẩn hợp lý. Để xác định khoảng giá phòng hợp lý, các host phải dựa vào các yếu tố sau:
- Tìm hiểu giá thị trường tại khu vực Host đang hoạt động để có khoảng định giá thích hợp.
- Ban đầu, khi mới mở tài khoản trên Airbnb, Host phải áp dụng chiến lược giá thâm nhập thị trường. Để hút khách đặt phòng thì mức giá thuê phòng của Host phải tốt nhất (thấp hơn) so với danh sách phòng cùng loại trong khu vực. Host có thể tách phí dọn phòng ra khỏi giá thuê phòng hiển thị để có được mức giá cạnh tranh hơn. Sau này, khi có nhiều review, Host có thể từ từ nâng giá lên theo giá mặt bằng chung khu vực.
- Nghiên cứu thị trường du lịch mùa cao điểm và thấp điểm để điều chỉnh giá phòng phù hợp.
4.2. Chỉ số số đêm lưu trú
Số đêm lưu trú của khách thuê sẽ tương ứng với tỷ lệ kín phòng hoặc công suất đặt phòng. Chỉ số này thường sẽ tỷ lệ nghịch với giá phòng 1 đêm. Vì vậy, để tăng tỷ lệ kín phòng, các Host cần:
- Thu hút khách lưu trú trung và dài hạn: nếu áp dụng chính sách giảm giá tuần và tháng sẽ giúp Host thu hút khách lưu trú trung và dài hạn. Nếu giảm 30% khách thuê theo tháng thì tỷ lệ kín phòng sẽ ở mức 70% bằng với doanh thu có được cho 21 ngày thuê ngắn hạn, vì vậy sẽ tiết kiệm được thời gian, nguồn lực trả lời khách, quản lý hoạt động check-in, check out, dọn dẹp phòng,.. Vào mùa du lịch thấp điểm, khách trung và dài hạn sẽ giúp Host có được nguồn doanh thu ổn định nhất.
- Điều chỉnh giá phòng 1 đêm linh hoạt: đến mùa du lịch cao điểm, host cần tăng giá và khi bước vào thời kỳ thấp điểm cần sẵn sàng hạ giá. Để doanh thu duy trì ổn định, nếu host thấy tuần sau chưa có khách book phòng hoặc tỷ lệ kín phòng dưới 50% cần nhanh chóng điều chỉnh giá phù hợp nhất.
4.3. Chỉ số các nguồn thu khác
Các hoạt động kinh doanh đi kèm có thể mang lại nguồn thu cho host là: dọn dẹp phòng, thêm người ở ghép, đưa đón sân bay, cho thuê phương tiện di chuyển, giặt là,…. Đây là các dịch vụ mà host nên cân nhắc để tăng thêm thu nhập cho cơ sở lưu trú của mình. Ngoài ra, khi giới thiệu khách hàng sử dụng các dịch vụ từ các bên thứ 3 có liên kết như tour du lịch, thăm làng nghề,… host cũng sẽ được hưởng phần trăm hoa hồng để tối đa hóa doanh thu cho việc kinh doanh.
Những lưu ý quan trọng
5.1. Không giao dịch ngoài Airbnb
Airbnb sẽ block listing nếu host cung cấp địa chỉ hay số điện thoại cho khách chưa đặt phòng để thực hiện book trực tiếp, nhằm tránh khoản phí dịch vụ (service fee) phải trả cho Airbnb. Nếu khách yêu cầu đến xem nhà rồi mới book thì host có thể yêu cầu khách đặt phòng 1 đêm ở thử. Sau khi book phòng, Airbnb sẽ cung cấp địa chỉ và số điện thoại để khách đến xem và ở, nếu phù hợp thì gia hạn ở tiếp.
5.2. Cung cấp những gì mô tả trong listing
Host đã mô tả phòng và các dịch vụ, tiện ích đi kèm trong listing như thế nào thì cung cấp cho khách y như vậy. Khi nhận phòng, nếu khách đòi hỏi thêm thì host có thể dùng listing làm cơ sở giải thích với khách, chỉ nhận lời nếu đáp ứng được và thu thêm phụ phí nếu có. Nếu không đáp ứng được thì host có thể từ chối khéo.
5.3. Liên hệ ngay với Airbnb khi gặp vấn đề với khách
Nếu host gặp phải các vấn đề với guest như khách có những yêu cầu quá đáng và dọa cho 1* nếu không đáp ứng… thì host cần report ngay với Airbnb để được hỗ trợ giải quyết.
Hy vọng bài viết về Kinh nghiệm làm host trên Airbnb trên đây sẽ giúp các host có được những thông tin hữu ích, cần thiết để việc kinh doanh hiệu quả mang về nhiều doanh thu hơn nữa.