Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến việt nam

Trong 7 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón gần 9,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chỉ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại. Vậy để đảm bảo mục tiêu đón 18 triệu lượt khách trong năm 2019, ngành du lịch phải có những giải pháp thu hút khách quốc tế mới và hiệu quả nhất. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về “Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam”

Khái niệm về khách du lịch quốc tế

Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

Khách du lịch quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam đinh cư ở nước ngoài đến Việt Nam không quá 12 tháng với mục đích đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch trừ trường hợp đi học hoặc làm việc, hành nghề để nhận thu nhập tại nơi đến.

Tình hình tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam

Khách từ những thị trường chủ đạo giảm

Trong giai đoạn 1995-2015, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng liên tục với tốc độ trung bình 15%/ năm. Giai đoạn 2015-2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá, từ 7,9 triệu lượt năm 2005 lên 15,5 triệu lượt năm 2018, tăng 1,95 lần, đạt tốc độ tăng trung bình 25%/ năm. Đây là giai đoạn tăng cao kỷ lục trong lịch sử phát triển của du lịch Việt Nam.

Sau giai đoạn từ 2015-2018, du lịch Việt Nam tăng tốc với kỷ lục bứt phá từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên gần gấp đôi 15,5 triệu lượt năm 2018. Đây được xem là tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới ( UNWTO).

du khách quốc tế đến việt nam

Tuy nhiên, sang năm 2019, tốc độ tăng trưởng du lịch đang có xu hướng giảm dần, điển hình tháng 6 có mức thấp nhất trong nửa đầu năm, chỉ đạt 1,18 triệu lượt khách, giảm 10,6% so với tháng trước. Bảy tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 9,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 7,9%, nhưng mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2018 là 25,4%.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng nhờ vào ba thị trường có quy mô lớn là Hàn Quốc (tăng 22,1%), Đài Loan (tăng 27,6%), Thái Lan (tăng 48,2%). Trong đó, khách đến từ châu Á chiếm thị phần lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế đến nước ta giảm 0,4%, từ châu Úc giảm 6% so với tháng 6 năm 2018. Số khách đến từ Hàn Quốc – thị trường lớn thứ hai trong cơ cấu khách quốc tế tới nước ta đạt hơn hai triệu lượt, chỉ tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (trong khi tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2018 đạt 60,7%). Đặc biệt, thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Việt Nam là Trung Quốc giảm 2,8% so với cùng kỳ 2018. Tốc độ tăng trưởng khách hai quý đầu năm nhìn chung thấp hơn nhiều so với mức tăng từ 20-30% giai đoạn 2016 – 2018. 

Nguyên nhân chững lại của lượng khách quốc tế đến Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng tăng trưởng du lịch có dấu hiệu chững lại, không mạnh mẽ như những năm trước có phần từ nguyên nhân do căng thẳng thương mại toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ và sự phát triển chậm hơn của các nền kinh tế châu Á. Ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết thị trường Trung Quốc giảm theo xu thế chung khi kinh tế nước này khó khăn hơn do ảnh hưởng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. 

khách du lịch quốc tế đến việt nam

Bên cạnh đó, gần đây, các nước trong khu vực có sự cạnh tranh quyết liệt để thu hút khách du lịch quốc tế bằng những chính sách tăng cường như: đầu tư quảng bá, phát triển sản phẩm, đẩy mạnh kết nối hàng không, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực…; trong khi một số điểm đến ở nước ta đã trở nên bão hòa, dẫn đến phân tán lượng khách quốc tế từ những thị trường nguồn lớn.

Xem thêm:

Cơ cấu nguồn thu từ du lịch mang lại

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Du lịch, năm 2018 tổng thu từ khách du lịch của cả nước là 637,000 tỉ đồng, tăng 17.7% so với năm trước đó. Trong số này, tổng thu từ du lịch nội địa là 254,000 tỉ đồng, chiếm 39.9% còn tổng thu từ du lịch quốc tế là 383,000 tỉ đồng, chiếm 60.1%. So với năm 2017, tổng thu của hai mảng đều tăng trưởng nhưng tỉ lệ đóng góp vào tổng thu của du lịch nội địa giảm nhẹ. Vào năm 2017, tổng thu từ khách du lịch là 541,000 tỉ đồng, trong đó 41.6% đến từ du lịch nội địa nhưng đến năm ngoái, mảng này chỉ chiếm 39.9% trong tổng thu.

du khách quốc tế đến việt nam

Với mảng du lịch quốc tế, 78.2% trong tổng thu từ khách du lịch quốc tế của Việt Nam đến từ 10 thị trường gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Nga, Malaysia, Úc, Thái Lan và Anh. Trong đó, hai thị trường nguồn lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm đến gần một nửa trong tổng thu. Tỉ trọng về nguồn thu từ hai thị trường này lần lượt chiếm 24.7% và 24% trong tổng thu. Tuy nhiên, nếu tính chi tiêu trên mỗi đầu khách thì hai thị trường trên thua những thị trường xa như Mỹ, Nga, Úc. Chẳng hạn, bình quân mỗi khách Úc đến Việt Nam chi tiêu hơn 36,6 triệu đồng, gần gấp đôi khách Trung Quốc.

Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

Tập trung vào thị trường khách lẻ, du lịch tự túc

giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến việt nam

Trong tháng 5 và 6, một loạt chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch dưới dạng tham gia hội chợ quốc tế, roadshow đã được tổ chức tại hai quốc gia kể trên. Tổng cục Du lịch cũng trình lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chuyển một số gói kinh phí quảng bá dành cho thị trường Mỹ, Trung Ðông để ưu tiên cho thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc với mục tiêu sẽ đón được lượng khách lớn trong mùa cao điểm du lịch rơi vào quý III, quý IV năm nay. 

Theo khảo sát, lượng khách sụt giảm từ thị trường Trung Quốc thời gian qua chủ yếu là khách sử dụng các chuyến bay charter (thuê máy bay nguyên chuyến thường dành cho các đoàn khách lớn), cho nên muốn thúc đẩy tăng trưởng khách từ thị trường Trung Quốc, đối tượng được ngành du lịch nhắm tới là dòng khách lẻ đi du lịch tự túc. Bởi đây là nhóm khách hàng sẽ mang lại nguồn thu lớn cho thị trường du lịch với mức chi tiêu cao hơn. 

Đẩy mạnh du lịch trực tuyến trên thị trường quốc tế

Mới đây, một chiến dịch quảng cáo về du lịch Việt Nam bằng tiếng Trung đã được triển khai trên hệ thống mạng xã hội nội bộ của nước này để tăng cường thu hút dòng khách lẻ. Theo các chuyên gia du lịch, trong bối cảnh du lịch trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ với sự lên ngôi của xu hướng du lịch cá nhân hóa, việc phải tập trung đẩy mạnh du lịch trực tuyến là đòi hỏi tất yếu. Muốn thế, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch và sự liên kết để tạo hệ thống dữ liệu số đồng bộ, sinh động về du lịch cần được tăng cường. 

khách du lịch quốc tế đến việt nam

Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu nhận định: Trước đây, ngành du lịch phụ thuộc khá lớn vào các công ty lữ hành nước ngoài đưa khách quốc tế tới Việt Nam. Ðiều này dễ gây rủi ro khi họ chuyển hướng khai thác thị trường khác. Trong khi đó, du lịch Việt Nam thời gian qua chứng kiến lượng khách quốc tế đi du lịch tự túc thông qua đặt dịch vụ trực tuyến tăng cao, cho nên phát triển du lịch trực tuyến sẽ là xu thế mới hiện nay và là hướng đi giúp tăng trưởng khách ổn định.

Đẩy mạnh khai thác thị trường ASEAN với lợi thế chính sách visa nội khối

Thống kê sáu tháng đầu năm cho thấy, lượng khách đến từ châu Á chiếm tới 77,6% tổng lượng khách quốc tế. Trong đó, khách đến từ Thái Lan đặc biệt tăng mạnh với mức 45,4% so với cùng kỳ năm 2018, cho thấy, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với du khách các nước trong khu vực. Vì thế, bên cạnh những thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác thị trường ASEAN với những lợi thế về chính sách visa trong nội khối.

Tập trung phát triển chiều sâu – chất lượng ngành du lịch

Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng là tập trung phát triển theo chiều sâu. Thực tế cho thấy, thời gian qua, du lịch Việt Nam vẫn chỉ chú trọng phát triển số lượng mà chưa tập trung nhiều vào việc nâng cao chất lượng. Dù được xếp hạng đứng thứ sáu trong top 10 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất toàn cầu nhưng doanh thu du lịch toàn ngành vẫn thua xa so với các quốc gia láng giềng. 

Nguyên nhân được xác định là dù thu hút số lượng lớn du khách, nhưng du lịch Việt Nam vẫn thiếu những sản phẩm, dịch vụ đặc thù để du khách sẵn sàng chi tiền. Hệ thống điểm vui chơi, giải trí, mua sắm chưa mang tính đồng bộ và thiếu đặc sắc cho nên không đủ kích thích sức mua của du khách. Do đó, ngành du lịch cần tập trung đầu tư theo chiều sâu bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Ðây cũng là chìa khóa giúp giảm sức ép của tăng trưởng nóng về số lượng khách du lịch lên hệ thống tài nguyên môi trường, di sản thiên nhiên.

Hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cũng cần cải thiện, đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư nâng cấp và phát triển các hạ tầng sân bay. Ngoài ra, còn phải cải thiện yếu tố bền vững về môi trường tự nhiên, tăng cường công tác quản lý điểm đến, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.

Xem thêm:

Đào tạo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế

Vấn đề đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực du lịch hiện nay rất cấp bách khi nguồn cung chưa đáp ứng được yêu cầu. Tăng trưởng nhanh chóng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhưng trình độ nguồn nhân lực biết ngoại ngữ thấp là một vấn đề cản trở rất lớn. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel thẳng thắn nhận định, nguồn nhân lực hiện nay còn yếu về kỹ năng, ngoại ngữ và trình độ, mà cốt lõi là vấn đề đào tạo. Công tác đào tạo hiện nay chủ yếu đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường mà chưa theo quy chuẩn chung của tiêu chuẩn nghề du lịch đã được ban hành. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo chưa sát với thực tế, còn nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành, đặc biệt là yếu ngoại ngữ.

khách du lịch quốc tế đến việt nam

Trình độ và năng lực của nhân lực phục vụ du lịch là yếu tố quyết định chất lượng của sản phẩm du lịch. Sự khác biệt về chất lượng dịch vụ giữa các quốc gia, các doanh nghiệp chính là chất lượng lao động và phương thức phục vụ. Vì vậy cần tăng cường số lượng, chất lượng lao động trong ngành bằng cách đưa vào đào tạo bài bản ngay từ bậc học phổ thông, mở các lớp đào tạo nghiệp vụ miễn phí… Đặc biệt, cần chú trọng việc giảng dạy ngoại ngữ, nâng cao kỹ năng giao tiếp với khách quốc tế bằng việc mở rộng vốn từ ngữ chuyên ngành du lịch của nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Mở rộng thêm các đường bay đến các thị trường trọng điểm 

Các hãng hàng không nên tiếp tục mở rộng mạng lưới đường bay đi châu Âu, Mỹ, Ấn Độ. Bên cạnh đó là mở các đường bay trực tiếp kết nối các điểm du lịch Việt Nam với các thị trường hiện tại bao gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Và mở rộng thêm đường bay đến một số thành phố thứ cấp tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; ký kết hợp tác mới với các đối tác tại các thị trường Úc, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ. 

Ngoài việc mở thêm đường bay, các Văn phòng xúc tiến du lịch Visit Vietnam tại Anh, Úc cũng cần được khai thác và đi vào hoạt động để tăng cường sự giao lưu, hợp tác và phát triển du lịch giữa các nước.

Bên cạnh đó còn một số vấn đề mang tính chất lâu dài, như tổ chức hội chợ du lịch quốc tế mang tầm quốc gia, có thể tổ chức luân phiên tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các địa phương có thể chủ động phối hợp, chung tay tổ chức các hội chợ quảng bá xúc tiến để tạo hiệu quả lan tỏa sâu rộng hơn.

Tin rằng khi phối hợp nhuần nhuyễn các giải pháp thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển như kể trên, ngành Du lịch Việt Nam sẽ đạt mục tiêu đề ra từ nay đến cuối năm, trung bình mỗi tháng thu hút được ít nhất 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Để đến cuối năm 2019, sẽ hoàn thành con số 18 triệu khách du lịch quốc tế trong năm nay.

4.4/5 - (7 bình chọn)
Bài viết liên quan
ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ (MIỄN PHÍ)