Cuộc Cách mạng Platform và cơ hội mới cho kinh doanh khách sạn

1

Một trong những xu hướng kinh doanh hiện đang thống trị nền kinh tế Việt Nam và trên thế giới là mô hình nền tảng công nghệ (Platform). Xu thế Platform đang dần khẳng định lợi thế mình trong giới kinh doanh bằng việc thay thế các mô hình kinh doanh tuyến tính truyền thống, được áp dụng trong nhiều ngành, và đặc biệt có tiềm năng lớn trong kinh doanh khách sạn.

1. Sử dụng chiến lược nền tảng để tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp

Trong cuốn “Cuộc Cách mạng Platform” xuất bản năm 2016, tác giả Sangeet Paul Choudary nhận định rằng: “Platform đang nuốt trọn thế giới”. Trong suốt 15 năm qua, mô hình công nghệ nền tảng đã “thay da đổi thịt” cả giới kinh doanh. Thế giới đã chứng kiến các công ty nền tảng đã trỗi dậy, xây dựng một hạ tầng mới để cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng, phá vỡ trật tự nền kinh tế toàn cầu với những câu chuyện của Uber, Airbnb, Amazon,… Tính đến năm 2019, 7 trên 10 thương hiệu giá trị nhất trên thế giới đều hoạt động theo mô hình platform.

Top 10 thương hiệu có giá trị cao nhất trên thế giới. Theo đó, có đến 7 trên 10 thương hiệu trong danh sách này kinh doanh theo mô hình nền tảng (Nguồn:Brandz).

Vậy platform là gì, và tại sao platform lại có lợi thế lớn đến vậy dù “sinh sau đẻ muộn” so với các mô hình kinh doanh khác?

Theo nghiên cứu của Accenture, platform là một mô hình kinh doanh tạo ra giá trị kiểu mới. Thay vì dành thời gian để tìm tòi và sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới lạ để thu hút khách hàng, các doanh nghiệp chuyển sang tập trung vào việc xây dựng một nền tảng số mới dành cho tất cả các sản phẩm và dịch vụ sẵn có của mình. Đó là cách mà Google, Amazon và Alibaba đã tiên phong và thay đổi cách các doanh nghiệp vận hành và tìm kiếm lợi nhuận.

Tác giả Choudary định nghĩa “platform” là một mô hình kinh doanh hiện đại, tận dụng công nghệ để kết nối con người, tổ chức và nguồn lực tương tác với nhau trong một hệ sinh thái, mà tại đó, những giá trị mới có thể được tạo ra và trao đổi qua lại. Cách Amazon tái cấu trúc ngành bán lẻ, hay cách Uber thống trị ngành vận tải chính là những minh chứng rõ ràng nhất cho những giá trị mà platform tạo ra và sự hiệu quả của mô hình hoạt động này.

Để hiểu rõ hơn về mô hình này, hãy tham khảo một số ví dụ quen thuộc:

  • Foody: Foody là một nền tảng mạng xã hội đánh giá, chia sẻ địa điểm ăn uống lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, Foody cũng tích hợp ứng dụng Now để cung cấp dịch vụ giao và nhận đồ ăn với các tính năng tiện lợi. Ngoài dịch vụ ăn uống, Foody còn mở rộng phạm vi của mình sang các loại hình dịch vụ mua sắm, du lịch, cưới hỏi, giáo dục.
  • Grab: Grab là một ví dụ điển hình cho mô hình kinh doanh theo hướng đa ngành từ một dịch vụ cơ bản ban đầu, bành trướng sang các dịch vụ khác để trở thành các siêu ứng dụng (Super App). Đi lên từ dịch vụ gọi xe, Grab nhanh chóng mở thêm các dịch vụ giao nhận hàng hóa, đồ ăn, mua sắm online, đặt phòng khách sạn, thanh toán điện tử,… Siêu ứng dụng đã trở thành một cách thịnh hành để thu hút người dùng và giữ chặt họ ở trong đó.

Đến hết năm 2020, các doanh nghiệp nền tảng số được dự đoán sẽ chiếm lĩnh 25% thị phần kinh tế thế giới (theo Accenture) và chiến lược nền tảng sẽ khiến các doanh nghiệp sớm phải cân nhắc lại cách vận hành.

2. Platform và mô hình kinh doanh truyền thống

Nếu như 10 thập kỷ trước, top 10 công ty giá trị nhất hành tinh đều dựa trên mô hình sản xuất và phân phối truyền thống, như tập đoàn General Electric của Mỹ mất 100 năm mới vươn lên vị trí số 1, thì các doanh nghiệp nền tảng như Amazon chỉ mất một phần tư số thời gian đó để chiếm lấy ngôi vương. Giá trị vốn hóa của ông hoàng thương mại điện tử này có thời điểm bằng 14 tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ lúc bây giờ. Vậy làm thế nào để mô hình nền tảng có thể tạo ra giá trị, và tạo ra giá trị gấp nhiều lần mô hình kinh doanh bình thường?

Mô hình kinh doanh tuyến tính truyền thống và mô hình kinh doanh nền tảng (Nguồn: Skift)

Mô hình vận hành và kinh doanh của các công ty truyền thống được gọi là mô hình tuyến tính (Linear) vì chuỗi cung ứng giá trị chỉ đi theo một chiều và trên một đường thẳng. Các sản phẩm được sản xuất, phân phối, rồi được marketing và bán cho người dùng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp tuyến tính truyền thống đều không dùng công nghệ và không phải các doanh nghiệp kỹ thuật số nào ngày nay cũng là các doanh nghiệp nền tảng. Lấy ví dụ, Netflix không phải là một doanh nghiệp nền tảng vì nó tự tạo ra tất cả các nội dung của mình, và cung cấp chúng cho người dùng. Công nghệ hỗ trợ cho nền tảng, nhưng không biến doanh nghiệp thành một nền tảng.

Ngược lại, nền tảng tạo và quản lý một môi trường để trao đổi giá trị giữa những người dùng của nó trong một hệ sinh thái. Các nền tảng tạo ra các kết nối giữa các hệ thống và sử dụng chúng để tạo ra các giao dịch khác. Giao dịch cốt lõi là nhân tố thiết yếu của thiết kế nền tảng. Để tạo và trao đổi giá trị, một nền tảng cần những người dùng lặp đi lặp lại quá trình này. Như vậy, quá trình trao đổi giá trị trong mô hình kinh doanh nền tảng là hai chiều và liên tục. Ví dụ, Airbnb đã tạo ra giá trị bằng cách trở thành một nền tảng cung cấp dịch vụ trọn gói (end-to-end). Từ dịch vụ đặt phòng, sắp xếp phòng, dịch vụ khách hàng, đánh giá khách hàng và đánh giá của nhà cung cấp… Những giá trị được tạo ra từ cả khách hàng (khách du lịch) và từ cả nhà cung cấp (người cho thuê nhà), và được tạo ra liên tục.

3. Tận dụng Platform trong kinh doanh khách sạn

Uber trở thành hãng taxi lớn nhất thế giới dù không sở hữu một chiếc xe nào; Alibaba trở thành nhà bán lẻ có giá trị cao nhất thế giới dù không có một nhà kho nào; hay Airbnb trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú có số lượng kho phòng lớn mà không sở hữu bất kỳ một bất động sản nào. Nhưng điều này không có nghĩa chủ khách sạn phải đập khách sạn của mình đi để tận dụng chiến lược nền tảng cho khách sạn của mình.

Nếu bạn là một chủ khách sạn, bạn sẽ phải dùng đến rất nhiều phần mềm và hệ thống vận hành mỗi ngày. Chủ khách sạn phải quản lý hệ thống PMS, phần mềm quản lý lợi nhuận RMS, các trang mạng xã hội, trang web riêng, quản lý làm việc với các bên OTAs,… Đi cùng với chúng là hàng đống dữ liệu (data) mà ta phải xử lý và phân tích, trong khi các dữ liệu lại nằm ở những nơi khác nhau. Điều này còn tạo thêm phiền toái cho các chuỗi khách sạn khi chủ khách sạn không thể tổng hợp lại dữ liệu và đánh giá dữ liệu trên tổng thể. Việc hợp nhất và tóm gọn các thông tin từ các nguồn khác nhau rất hao tốn chi phí và thời gian. Nhân viên khách sạn phải quản lý yêu cầu của khách hàng từ quá nhiều kênh, và kỹ thuật số càng phát triển thì họ càng phải kiểm soát nhiều kênh hơn. Vì vậy, tồn tại nhu cầu phải có một nền tảng để hợp nhất và chuẩn hóa dữ liệu tại một nơi duy nhất, từ đó cung cấp cho chủ khách sạn và nhà quản lý một cái nhìn tổng thể và rõ ràng nhất về hoạt động của khách sạn từ nhiều kênh. Platform quản lý dữ liệu chính là một nền tảng giúp giải quyết nhu cầu này. Trong ngành khách sạn, các nền tảng quản lý dữ liệu đã trở thành một công cụ cần thiết bên cạnh những phương tiện quản lý vận hành khác như PMS, CMS và các hệ thống cốt lõi khác.

Platform quản lý dữ liệu là một phương thức sử dụng điện toán đám mây để thu thập các dữ liệu mà ngay khi được thu nhận từ các nguồn, chúng sẽ được chuẩn hóa để xem lại một cách dễ dàng từ nhiều nơi khác nhau. Theo bài viết của Snapshot, một lợi ích lớn đến từ loại hình platform này là nhờ giao diện lập trình ứng dụng kết nối (API) và chuẩn hóa data, các nhà quản lý khách sạn có thể dễ dàng tìm kiếm dữ liệu đã được cá nhân hóa thông qua những thao tác cơ bản. Sử dụng phần mềm quản lý vận hành khách sạn trên điện toán đám mây cũng chính là bước đầu để hợp nhất và chuẩn hóa các thông tin từ khách sạn, tiết kiệm thời gian, chi phí và cải thiện hiệu suất.

Việc đưa platform vào vận hành còn có thể mở cửa đưa khách sạn tới hàng loạt cơ hội mới. Mô hình nền tảng phục vụ ngành Hospitality mà ezCloud đang hướng tới xây dựng không chỉ giúp khách sạn quản lý và bán hàng mà còn cung cấp thêm những sản phẩm khác như tour trọn gói, vé vào khu vui chơi, sân vận động, vé máy bay, tạo nên giá trị du lịch toàn diện nhất cho khách hàng và giúp các nhà cung cấp dịch vụ đón nhận những thời cơ tăng doanh thu. Đã đến lúc để các doanh nghiệp du lịch cải tiến để không bị tụt hậu trước những thách thức mới của Cách mạng Công nghiệp 4.0.

5/5 - (4 bình chọn)
Bài viết liên quan
ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ (MIỄN PHÍ)
Không cần cài đặt | Không cần thanh toán
ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ (MIỄN PHÍ)