Trong kinh doanh khách sạn, nhiều lúc bạn không thể tránh khỏi những sai lầm. Tuy nhiên, có những sai lầm ngớ ngẩn mà bạn hoàn toàn có thể tránh được.

Dưới đây là 4 sai lầm ngớ ngẩn khi đầu tư khách sạn được đúc kết từ ông Nguyễn Quốc Hoàn, CEO khách sạn The Ann Hanoi – người đã có hơn 20 năm làm việc trong ngành khách sạn.

Đầu tư khách sạn

1. Không có kỳ vọng, mục tiêu rõ ràng

Tin được không? Có nhiều khách sạn được mở ra mà không có bất kỳ một văn bản tuyên bố chính thức về kỳ vọng và mục tiêu. Hoặc nếu có thì chúng cũng không rõ ràng. Theo ông Hoàn, đây là sai lầm đầu tiên của giới chủ Việt Nam khi đầu tư khách sạn.

“Tệ hại hơn, không một ai truyền tải rõ ràng về tầm nhìn và mục tiêu cho ban quản lý khách sạn và nhân viên. Vậy thì làm sao nhân viên biết được họ phải làm những gì và sao họ hiểu được bức tranh tổng thể của doanh nghiệp?” – ông Hoàn nhấn mạnh.

2. “Tôi có rất nhiều bạn bè và chúng tôi chơi rất thân với nhau”

“Tôi có nhiều bạn và chúng tôi rất thân với nhau”, “Tôi và người thân của tôi đều thân thiết với những nhân vật nổi tiếng là khách VIP”, “Chúng tôi đảm bảo rằng sẽ có rất nhiều khách sử dụng khách sạn và các cơ sở vật chất của mình!”… Theo ông Hoàn, đây là một sai lầm thể hiện tư duy rất “ngây thơ” của một số chủ khách sạn.

Giải thích cho sai lầm này, ông Hoàn bình luận: “Khách VIP đã đến khách sạn, đó là sự thật. Nhưng có một sự thật khác là họ hiếm khi trả tiền hóa đơn vì họ gần như luôn mong đợi được mời, vì họ nghĩ mình là bạn tốt của người chủ khách sạn. Và đôi khi họ nghĩ mình đáng được miễn phí. Vậy nên, việc không đầu tư bài bản cho chiến lược kinh doanh và tiếp thị thường mang lại một kết quả chẳng ra gì”.

3. Tự mua sắm đồ dùng, thiết bị theo ý thích

Ai cũng biết rằng tiện nghi khách sạn là một yếu tố quan trọng, phản ánh chất lượng của khách sạn. Do đó, việc mua sắm đồ dùng, thiết bị phải được tính toán cẩn thận. Tuy nhiên, rất nhiều chủ khách sạn lại coi nhẹ vấn đề này. Họ tự ý mua sắm thiết bị, đồ dùng theo ý thích mà không tham khảo bất kỳ ý kiến nào của người quản lý khách sạn.

Hậu quả là khi khách sạn đi vào vận hành, quản lý và nhân viên không thể sử dụng được các thiết bị do sai thông số kỹ thuật. Trong khi đó, khách sạn lại không còn đủ tiền để mua sắm thêm các thiết bị thay thế.

“Thế nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhân viên chuyên nghiệp rời khỏi công ty còn chất lượng sản phẩm và dịch vụ của khách sạn lại không hề đạt bất kỳ tiêu chuẩn nào” – ông Hoàn bình luận.

4. Coi công tác nhân sự như trò đùa

Trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, yếu tố con người đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, theo ông Hoàn, nhiều chủ khách sạn lại coi công tác nhân sự như một trò đùa.

Ông Hoàn cho biết ông đã gặp nhiều khách sạn mới mở thuê vị trí Tổng giám đốc khách sạn và trưởng các bộ phận… chỉ vài tuần trước khi khai trương.

Nhiều chủ đầu tư có tư duy ngây thơ tới mức cho rằng những nhân viên vật lý trị liệu như spa, massage thì không cần đào tạo, chỉ cần thuê những cô gái có ngoại hình hấp dẫn về là họ có thể tự massage cho khách; hay nhân viên làm vườn cũng có thể chuyển sang bộ phận buồng phòng.

“Họ nói đừng lo lắng về kế toán, tôi có nhân viên ở công ty vận tải đã làm 10 năm và rất giỏi về con số. Họ nói tôi đã tìm được một trưởng phòng nhân sự tốt, đó là vợ của cán bộ quận, không ai dám kiện tụng gì đâu. Họ nói con trai tôi sẽ làm tổng giám đốc vì nó vừa du học về. Và họ tự tin rằng: hãy nhìn lại thị trường nội địa mà xem, có hàng trăm người muốn làm việc cho chúng ta với mức lương rất thấp…”, ông Hoàn dẫn chứng.

Để nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác nhân sự, ông Hoàn nhấn mạnh khách sạn mới đi vào hoạt động mà không có bộ máy nhân sự chuyên nghiệp, hệ thống văn bản nội quy đầy đủ, chính sách phúc lợi, lương thưởng rõ ràng thì không khác gì tự sát.

“Tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng mà không có thoả thuận văn bản rõ ràng về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của nhân viên. Các cấp quản lý thì hứa miệng với ứng viên về quyền lợi… Và khi ban giám đốc bắt đầu áp dụng một vài chính sách về quyền lợi cho từng cấp bậc của nhân viên thì cơn ác mộng nhân sự thành hiện thực”.

Trên đây là 4 sai lầm thường gặp nhất của chủ khách sạn Việt Nam khi đầu tư khách sạn. Hy vọng bạn sẽ tránh được những sai lầm này khi kinh doanh khách sạn. Chúc bạn kinh doanh thành công!

Tham khảo: VietnamFinance

5/5 - (6 bình chọn)
Bài viết liên quan
ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ (MIỄN PHÍ)
Không cần cài đặt | Không cần thanh toán
ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ (MIỄN PHÍ)