Theo kết quả của cuộc khảo sát của Grant Thornton, RevPAR (doanh thu trên mỗi phòng sẵn có), chỉ số dùng để đo lường lợi nhuận và hiệu suất sử dụng phòng khách sạn, đã giảm khoảng 8,6%, từ 59,3 USD trong năm 2014 xuống còn 54,2 USD trong năm 2015.
Nguyên nhân dẫn đến giảm RevPAR chủ yếu là do giá phòng khách sạn bình quân năm 2015 giảm mạnh.
Kết quả phân tích theo Xếp hạng sao của khách sạn cho thấy giá phòng bình quân của phân khúc khách sạn 4 sao giảm 17,1% từ 87,2 USD xuống còn 72,3 USD.
Trong khi đó, tình hình tại phân khúc khách sạn 5 sao khả quan hơn, giá phòng bình quân tăng 1,2% từ 110,1 USD năm 2014 lên 111,4 USD năm 2015.
Xét theo vùng miền, cả ba vùng đều có giá phòng trung bình hàng năm giảm so với năm trước.
Khu vực phía Bắc giảm thấp nhất với 6%, giá phòng trung bình hai khu vực còn lại, miền Trung & Tây Nguyên và miền Nam, giảm lần lượt là 14,4% và 12,6% trong năm 2015.
Tổng quan trung bình giá phòng hàng năm của các khách sạn cao cấp giảm đáng kể 11,3% từ USD năm 2014 xuống còn 87 USD trong năm 2015.
Tuy nhiên, công suất phòng trung bình năm 2015 của các khách sạn cao cấp tăng nhẹ 1,2% từ 60,3% lên 61,5% đối với khách sạn 4 sao, và tăng 1,6% từ 61,1% lên 62,7% đối với khách sạn 5 sao.
Về các kênh đặt phòng, năm 2015 khách hàng đã sử dụng mạng trực tuyến để thuê phòng tăng lên mạnh mẽ khiến doanh thu từ đặt phòng trực tuyến tăng theo.
Cụ thể, tỷ lệ đặt phòng trực tuyến tăng 4,9%, trong khi tỷ lệ đặt phòng qua các công ty lữ hành giảm 5,3% và đặt phòng trực tiếp giảm 4,9%.