Sự phát triển, thay đổi của xu hướng các loại hình du lịch trên thế giới đã có những tác động lớn đối với du lịch Việt Nam.
Ngày 20/8, tại Hà Nội, Tổng Cục Du lịch Việt Nam, Viện nghiên cứu phát triển du lịch đã tổ chức hội thảo “Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam”.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), số lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cần năm 2018 đã vượt mốc 1,4 tỷ lượt, tăng 74 triệu lượt so với năm 2017, đạt mức tăng trưởng gần 6%. Đây là mức tăng trưởng cao thứ hai trong giai đoạn từ 2010 đến nay (sau mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 7% của năm 2017).
Cũng theo báo cáo của UNTWO, trong năm 2018, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đón 342,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6,1% so với năm 2017, chiếm gần ¼ tổng lượng khách quốc tế toàn cầu, trong đó Đông Nam Á là khu vực dẫn đầu về tăng trưởng khách quốc tế đến 7,4%.
UNWTO cũng đưa ra đánh giá rằng, phần lớn các điểm đến ở khu vực Đông Nam Á đều duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt là Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế trong những năm gần đây.
Với sự tăng trưởng nhanh như vậy, du lịch đã trở thành một trong những trụ cột chính của thương mại quốc tế, là nguồn thu nhập quan trọng cho nhiều nước đang phát triển. UNTWO dự báo, hoạt động du lịch toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3 – 4% trong năm 2019. Dự báo đến năm 2030, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đạt 1,8 tỷ lượt. Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 trên thế giới.
Xu hướng tiêu dùng du lịch bắt đầu có những thay đổi mới mẻ. (Ảnh minh họa: HL)
Cùng với lượng khách du lịch tăng nhanh, xu hướng các loại hình du lịch đã và đang thay đổi đáng kể. Sự lựa chọn của khách du lịch trên toàn cầu cho thấy những loại hình du lịch thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch phục vụ nhu cầu sức khỏe, làm đẹp…ngày càng được lựa chọn và ưa chuộng hơn. Theo dự báo, đến năm 2030, khách đi du lịch với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%.
Trên thực tế, ngành du lịch thế giới đang chứng kiến sự phát triển của nhiều xu hướng du lịch khác như: tour tự thiết kế, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch giải trí với các thiết bị hiện đại… Xu hướng khách du lịch quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến thay vì hình ảnh điểm đến đơn thuần, khách sẽ lưu lại nhiều ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị và ngược lại. Nếu trước đây, du lịch biển theo trào lưu là phổ biến thì những năm gần đây đã chuyển hướng sang nghỉ dưỡng núi, trải nghiệm văn hóa địa phương. Khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang trở nên thịnh hành. Du lịch công nghệ cao như du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo, du lịch điện tử… thông qua các khu vui chơi giải trí hiện đại, các công viên, tổ hợp giải trí cũng ngày càng thu hút số lượng lớn khách du lịch.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng du lịch bắt đầu có những thay đổi mới mẻ từ chi trả tiền mặt sang thanh toán thẻ, sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh. Khách đi du lịch theo phương thức trả sau với 82% ứng từ lương cũng đang là xu hướng được ưa chuộng. Các dịch vụ đặt chỗ vé máy bay, khách sạn thông qua điện thoại thông minh tăng mạnh.
Nền tảng công nghệ số và dữ liệu sẽ chi phối tăng trưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 80% chuyến đi du lịch được đặt trực tuyến, và 87% thế hệ trẻ cho rằng, điện thoại thông minh là công cụ cần thiết cho du lịch. Theo nhiều chuyên gia trong ngành dịch vụ nhận định, công nghệ thông tin và mạng xã hội sẽ là tương lai của ngành du lịch.
Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch cũng đang thay đổi rõ rệt. Những năm trước đây, nếu tỷ trọng chi tiêu của khách dành phần lớn cho dịch vụ cơ bản như ăn, uống, vận chuyển, thì nay tỷ trọng này đã nhường chỗ cho các dịch vụ như mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm, thăm quan giải trí…
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận về những xu hướng phát triển của du lịch thế giới hiện nay, tác động của những xu hướng này đến Việt Nam, cách ứng phó của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đối với những tác động này. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng đưa ra nhiều giải pháp góp phần đưa du lịch Việt Nam theo kịp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Nguồn: Dân trí