Đây là cuộc khảo sát ngành dịch vụ khách sạn tại thị trường Việt Nam lần thứ 13 của đơn vị này, với tỷ lệ các khách sạn 4 và 5 sao tham gia chiếm trên 20%.
Theo Grant Thornton, doanh thu ngành dịch vụ khách sạn Việt Nam năm 2015 cán mức 338.000 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD), tăng gần 5 tỷ USD so với năm 2014 mặc dù khách quốc tế và giá phòng bình quân có xu hướng giảm, nhưng nhờ lượng khách trong nước tăng mạnh tới 50% đã giúp doanh thu tăng mạnh.
Theo kết quả cuộc khảo sát này, giá phòng bình quân trong năm 2015 giảm 11,3% trên toàn quốc, khách sạn 4 sao giảm 17,2%, từ mốc 87 USD một ngày đêm rớt xuống còn 72,3 USD. Công suất thuê phòng tăng 1,2% (khách sạn 5 sao tăng 1,6%). Doanh thu trên mỗi phòng giảm sút liên tục trong 3 năm qua.
Đây là một chỉ số quan trọng của ngành dùng để đo lường lợi nhuận và hiệu suất sử dụng phòng, đã giảm khoảng 8,6%, từ 59,3 USD trong năm 2014 xuống còn 54 USD trong năm 2015.
Grant Thornton đánh giá, năm 2015 là năm khó khăn đối với ngành khách sạn Việt Nam do tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng của một số nền kinh tế lớn và các yếu tố địa chính trị cũng như vấn đề an ninh an toàn của ngành du lịch toàn cầu đang bị thách thức.
6 tháng đầu năm 2016, lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,7 triệu người, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước và các đối tượng khách hàng này đặc biệt quan tâm đến an toàn và sức khoẻ.
Hiện doanh thu ngành dịch vụ khách sạn Việt Nam tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Lượng khách doanh nhân đến Việt Nam đang giảm cũng là một trong những thị phần cần được quan tâm nhiều hơn.
Một trong những khó khăn đặc thù là nguồn nhân lực phục vụ ngành dịch vụ khách sạn tại Việt Nam đang khá mỏng. Toàn thị trường cần 40.000 lao động nhưng hiện chỉ mới có 15.000 người tốt nghiệp ngành này.
Tổng giám đốc khách sạn Alma Osis Long Hải, bà Carmen Marienberg nhận định, ngày càng có nhiều khách sạn 4 sao đưa vào thị trường Việt Nam cho thấy nguồn cung không chỉ bứt phá về lượng mà còn tăng trưởng tốt về chất. Các thương hiệu quốc tế mới đã và đang đua nhau đến Việt Nam đã tạo thêm nguồn lực to lớn cho thị trường này.
Bên cạnh sự mua bán nhộn nhịp, thị trường khách sạn xuất hiện thêm nhiều tên tuổi mới. Như Wyndham Legend Halong sẽ là khách sạn 5 sao đầu tiên tại Việt Nam nằm trong chuỗi thuộc Tập đoàn Wyndham với 217 phòng. Wyndham là tập đoàn khách sạn lớn và đa dạng nhất thế giới hiện sở hữu khoảng 7.200 khách sạn với hơn 600.000 phòng tại 66 quốc gia dưới 15 nhãn hiệu khác nhau.
Theo các nhà nghiên cứu, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư sẽ còn tiếp tục gia tăng với nhiều giao dịch trong thị trường khách sạn sẽ được thực hiện trong năm 2016. Mục tiêu quan tâm của giới đầu tư săn lùng loại tài sản này là bất động sản phải có vị trí đắc địa, đã hoàn thiện và đang đi vào vận hành khai thác, có thể mang lại dòng tiền ngay lập tức. Mức lợi nhuận được kỳ vọng trong ngưỡng 7-10% tùy thuộc vào quy mô dòng tiền và quốc tịch của các nhà đầu tư.
Cùng với gia tăng nguồn cầu, các nhà đầu tư cũng hướng sự chú ý đến thị trường khách sạn ngày càng nhiều hơn. Dịch vụ khách sạn khắp cả nước được phát triển sôi động trong năm 2015, đồng nghĩa với việc xuất hiện của những bất động sản đẳng cấp quốc tế có sự tham gia của các kiến trúc sư nổi tiếng toàn cầu, toạ lạc ở những vị trí ven biển đẹp, những sân golf chất lượng cùng nhiều di sản văn hoá được thế giới công nhận. Những điểm đến nổi bật tại Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục chuyển mình phát triển mạnh mẽ trong năm 2016 và những năm kế tiếp.
Theo báo cáo của Savills, từ quý 3/2016 trở đi, 33 dự án khách sạn tương lai dự kiến sẽ gia nhập thị trường. Tuy nhiên, chỉ có 15 dự án dự kiến cung cấp khoảng 4.700 phòng, những dự án còn lại hiện chưa có quy mô chính thức.
Tại TP.HCM, một khách sạn 4 sao và bốn khách sạn 3 sao gia nhập thị trường, trong khi đó ba khách sạn 3 sao đóng cửa. Tổng nguồn cung đạt hơn 15.400 phòng từ 121 dự án, tăng 3% theo quý và 12% theo năm. Từ quý 3/2016 đến 2018, hơn 3.100 phòng từ 14 dự án dự kiến sẽ gia nhập thị trường.