[Vietnamtourism.gov.vn] SONGHAN Incubator tổ chức hội thảo bàn về kết nối thị trường đầu tư cho khởi nghiệp du lịch thông minh

hoi-nghi-khoi-nghiep-du-lich-thong-minh-3

(TITC) – Ngày 14/11/2019, Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (SONGHAN Incubator – SHi) tổ chức Hội thảo “Giải pháp kết nối thị trường – đầu tư cho khởi nghiệp du lịch thông minh” nhằm trao đổi về hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch thông minh.

SONGHAN Incubator tổ chức hội thảo bàn về kết nối thị trường đầu tư cho khởi nghiệp du lịch thông minh

Ông Lý Đình Quân – Giám đốc SHi phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lý Đình Quân – Giám đốc SHi cho biết: Du lịch thông minh là lĩnh vực còn mới tại Việt Nam. Các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối các nguồn lực cũng như vốn đầu tư, trong đó các nguồn lực của hệ sinh thái khởi nghiệp du lịch còn tương đối rời rạc. Việc tổ chức hội thảo lần này nhằm tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trẻ và các dự án khởi nghiệp. Từ đó xây dựng nhận thức, tạo nền tảng chuyên môn để đưa ra các sáng kiến hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, hướng đến tổ chức một số hoạt động kết nối thị trường, cung cầu, đầu tư trong thời gian tới.

Hội thảo đã phân tích nhiều vấn đề liên quan đến du lịch thông minh và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong ngành Du lịch. Ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) nhấn mạnh: Các yếu tố chính của du lịch thông minh là nhanh, đơn giản về giao diện, hiệu quả, thuận tiện, trong đó quan trọng nhất là tạo ra giá trị cho người dùng.

Hội nghị khởi nghiệp du lịch thông minh

Ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) phát biểu tại hội thảo

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Dương – CEO của Ezcloud bổ sung du lịch thông minh tạo ra các sản phẩm giúp đơn vị có thể giảm nhân lực, các hệ thống quản lý được đơn giản hóa và tự động hóa. Ông Nguyễn Hoàng Dương cũng đưa ra ví dụ Ezcloud đã tạo ra sản phẩm dành cho quản lý khách sạn phân khúc 1-3 sao, giúp quản lý hiệu quả, tăng cao lợi nhuận, giảm chi phí vận hành, từ đó bán giá rẻ hơn cho khách hàng.

Cũng tại hội thảo, ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch cho biết, về phía cơ quan quản lý nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của du lịch thông minh. Chính phủ đã ban hành “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”, trong đó có nội dung hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

Theo đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Hà Nội (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội), tháng 9 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025” với nhiều cơ chế, chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật…

Bàn về yếu tố con người trong phát triển du lịch thông minh, ông Lý Đình Quân cho rằng, du lịch thông minh gắn với yếu tố con người không chỉ mang lại cơ hội cho các start-up, cho các hãng công nghệ mà còn đem lại cơ hội rộng rãi cho toàn cộng đồng.

Giải pháp kết nối thị trường đầu tư cho khởi nghiệp du lịch thông minh

Các đại biểu đã bàn nhiều vấn đề liên quan đến du lịch thông minh và khởi nghiệp

Theo chuyên gia Mark Kierans (Hà Lan) chia sẻ, con người là nguồn lực quan trọng nhất của ngành du lịch và khách sạn. Trong bối cảnh khi các dịch vụ được đặt online, du khách đã tìm hiểu thông tin về các điểm đến trước khi đặt chân tới đó thì những trải nghiệm, tương tác với người dân bản địa sẽ là điều du khách nhớ đến và chia sẻ với nhiều người khác. Đặc biệt khi đó là những trải nghiệm tốt. Ông nhấn mạnh bên cạnh phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ tiên tiến cần chú ý tới người dân ở những vùng sâu vùng xa, nhất là những nhóm yếu thế như phụ nữ và trẻ em, bảo đảm họ được hưởng lợi từ du lịch.

Ông Lý Đình Quân cũng cho biết thêm, SHi luôn đặt yếu tố con người ở vị trí trung tâm trong hợp tác và phát triển với các start-up, trong đó SHi đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí: tầm nhìn về sứ mệnh; năng lực, văn hóa doanh nghiệp; nhân sinh quan trong cuộc sống.

Theo bà Lê Vân Anh – Đại diện Vườn ươm khởi nghiệp ThinkZone, các doanh nghiệp khởi nghiệp khi đi gọi vốn đầu tư cần tìm hiểu kỹ về nhu cầu và khả năng của nhà đầu tư. Cần xác định rõ khách hàng là ai, nhu cầu thị trường là gì và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Về vấn đề kết hợp một cách bền vững giữa doanh nghiệp truyền thống với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bà Lê Vân Anh gợi ý 2 cách: (1) tạo ra bước đột phá, đổi mới sáng tạo trong chính nội bộ doanh nghiệp truyền thống và (2) tìm kiếm doanh nghiệp start-up sáng tạo để hợp tác, trong đó cần chú ý tới việc thẩm định, tìm hiểu kỹ các start-up, tập trung vào yếu tố con người hơn là sản phẩm.

Tại hội thảo, để tăng cường kết nối thị trường, hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, đại diện Tổng cục Du lịch, SHi, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Hà Nội (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội), tổ chức PUM (Hà Lan) và một số bên liên quan đã có những phát biểu chia sẻ, ủng hộ và đồng hành với các start-up trong lĩnh vực du lịch thông minh. Ông Lê Tuấn Anh nhấn mạnh: với vai trò là đơn vị đầu mối của Tổng cục Du lịch trong việc điều phối triển khai các hoạt động về ứng dụng công nghệ sáng tạo hỗ trợ phát triển du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) sẽ tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp du lịch thông minh để đồng hành và hỗ trợ giới thiệu các start-up ra thị trường khu vực, quảng bá, nhân rộng những mô hình tốt.

Nguồn: Tổng cục Du lịch

4.5/5 - (6 bình chọn)
Bài viết liên quan

Gửi CV ứng tuyển

ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ (MIỄN PHÍ)
Không cần cài đặt | Không cần thanh toán
ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ (MIỄN PHÍ)