Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chương trình SMEdx mới chỉ đạt hỗ trợ được khoảng 1.800 doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME) trong 6 tháng đầu năm 2021. Đại diện AN VUi và ezCloud cho rằng, dù là một chương trình hay nhưng còn khá mới mẻ, Bộ TT&TT cần phối hợp với các Bộ, ngành khác để cùng lan toả và tạo hiệu quả cao nhất.
Chương trình SMEdx đã tổ chức hỗ trợ 2 địa phương là tỉnh Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu và sẽ tiếp tục tổ chức các workshop tới từng địa phương để hỗ trợ DN SMEs.
Đã có 1.800 SME hưởng lợi từ chương trình
Để góp phần thực hiện mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam triển khai sáng kiến hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số (CĐS) bằng các Nền tảng số xuất sắc Make in Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngày 12/01/2021, Bộ TT&TT đã công bố về Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của Bộ TT&TT.
Để cụ thể hóa chương trình, ngày 26/3/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 377/QĐ-BTTTT phê duyệt Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS (SMEdx), theo đó chương trình sẽ định kỳ rà soát bổ sung các nền tảng số mới đáp ứng tiêu chí vào danh mục nhằm ngày càng cung cấp cho các DN SME những lựa chọn đa dạng, đầy đủ hơn.
Sau 6 tháng triển khai, chương trình đã đạt được một số kết quả khả quan, đã có 18 đơn vị cung cấp nền tảng số tham gia và 1.800 SME sử dụng nền tảng, trung bình 1 ngày có 10 DN SME được hỗ trợ để CĐS. Chương trình cũng đã tổ chức hỗ trợ 2 địa phương là tỉnh Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo đại diện Chương trình SMEdx, mặc dù mới chỉ đạt khoảng 30% công việc và khoảng 6% KPI đã đề ra, còn khá thấp so với kỳ vọng là 30.000 DN sau 1 năm nhưng vẫn đang cố gắng để đạt được mục tiêu.
“Dự kiến mục tiêu của Chương trình SMEdx vẫn vẫn đạt con số kỳ vọng khi các nền tảng mới đây đều có con số cam kết về số lượng SME tối thiểu được hỗ trợ là 500 DN/nền tảng”, đại diện Chương trình chia sẻ.
Sau 6 tháng triển khai, chương trình SMEdx đã có 18 đơn vị cung cấp nền tảng số tham gia và 1.800 SME sử dụng nền tảng.
Kế hoạch trong thời gian tới, Chương trình SMEdx sẽ tiếp tục lựa chọn các nền tảng số chất lượng cao, có giá trị, đáp ứng đúng nhu cầu bức thiết của DN để đưa vào chương trình và cung cấp ra thị trường. Bên cạnh đó, ban chỉ đạo cũng đang gấp rút triển khai các công nghệ mới trong việc tiếp cận, giới thiệu và hỗ trợ các SME đăng ký sử dụng nền tảng số hiệu quả. Trong đó có công nghệ Callbot chủ động kết nối, khảo sát nhu cầu của SME và bản đồ hoá nhu cầu CĐS trên toàn thị trường. Đó sẽ là cơ sở để SMEDx cung cấp dịch vụ, nền tảng trúng mục tiêu, đúng đối tượng hơn nữa.
Ngoài ra, trong 6 tháng cuối năm, dự kiến chương trình sẽ triển khai các chương trình đào tạo, hội thảo tới từng địa phương để SME các tỉnh – vốn không có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ số sẽ được trực tiếp gặp, nghe, trao đổi với các nhà sáng lập nền tảng, các chuyên gia CĐS và từ đó lựa chọn, đăng ký được đúng nền tảng mà họ cần.
Cũng theo đại diện Chương trình SMEdx, trong quá trình thực hiện, chương trình cũng đang gặp các khó khăn chung bởi việc hạn chế di chuyển, tiếp xúc do tác động của dịch Covid-19. Hiện tại có rất nhiều tỉnh đã đăng ký triển khai tổ chức sự kiện kết nối, hoạt động đào tạo về CĐS cho DN của địa phương mình.
“Đây được coi là hoạt động chủ đạo để đưa nền tảng số tới tận tay DN nhưng hiện gián đoạn chưa nhân rộng được sau sự kiện đầu tiên tại Bình Phước”, đại diện Chương trình SMEdx bày tỏ.
Các SME được tiếp cận với mức chi phí hợp lý, giảm thiểu rủi ro đầu tư
Ông Nguyễn Hoàng Dương, CEO ezCloud – đơn vị nền tảng tham gia Chương trình SMEdx, đánh giá, SMEdx là một chương trình rất hay và thiết thực, nó thể hiện quyết tâm CĐS của Chính phủ thông qua cách làm hợp tác công tư cùng đồng hành giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Tham gia chương trình này các doanh nghiệp được quảng bá tiếp cận được nhiều khách hàng hơn thông qua các kênh truyền thông chính thống của Bộ TT&TT, qua đó các DN có cơ hội giới thiệu dịch vụ đến các khách hàng với chi phí hợp lý.
“Các SME đừng ngại mình sẽ sai hay thất bại khi CĐS, vì thay đổi là còn cơ hội, còn không thì trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện tại, cơ hội sống sót của DN sẽ gần như bằng 0. Bộ TT&TT và Chương trình SMEdx sẵn sàng là người bạn đồng hành để tháo gỡ, băn khoăn để DN có thể bắt đầu CĐS ngay từ hôm nay và đổi mới chính mình”, đại diện Chương trình SMEdx bày tỏ. |
“Sau 6 tháng tham gia chương trình SME Dx thì ezCloud đã ký kết được hơn 500 DN du lịch thông qua chương trình này, nhưng do đại dịch Covid quay trở lại nên phần lớn các DN này đang tạm dừng hoạt động theo quy định của Chính phủ”, ông Dương nói.
Chưa kể đến, thông qua chương trình này, các DN được hỗ trợ truyền thông tiếp cận được một tập khách hàng mới mà với ngân sách tự có của DN rất khó và rất lâu mới có thể tiếp cận được. Đồng thời, nhờ đó, hình ảnh của DN thông qua chương trình này cũng được nâng lên khi có sự chung tay đồng hành của Bộ TT&TT, đó là một sự cam kết về chất lượng dịch vụ đối với khách hàng.
“Còn với khách hàng là các SME, thông qua chương trình này cũng được tiếp cận được dịch vụ của DN với mức chi phí hợp lý, giảm thiểu rủi ro đầu tư. Hầu hết các dịch vụ đều được cung cấp dưới mô hình được trải nghiệm trước, chỉ thực sự trả tiền khi hài lòng, đây là điểm khác biệt của chương trình SMEDx mang lại cho khách hàng”, ông Dương khẳng định.
Trong thời gian tới, ezCloud sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ TT&TT và các địa phương du lịch để cung cấp các nền tảng CĐS cho Du lịch. Cụ thể ezCloud đang có kế hoạch đồng hành cùng Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu cung cấp nền tảng CĐS cho 200 cơ sở lưu trú tại huyện Côn Đảo. Ảnh hưởng của dịch Covid rất nặng nền đối với ngành Du lịch, ezCloud mong muốn được chung tay cùng các DN du lịch nâng cao năng lực quản lý, vận hành nhằm khôi phục lại tình hình kinh doanh ngay khi dịch Covid được kiểm soát.
Trong 6 tháng cuối năm, dự kiến chương trình sẽ triển khai các chương trình đào tạo, hội thảo tới từng địa phương để các SMEscác tỉnh tiếp cận với công nghệ số.
Ông Phan Bá Mạnh, CEO AN VUI khẳng định, mục tiêu của công ty ngay từ ngày đầu thành lập là mong muốn số hoá ngành vận tải hành khách giúp nhà xe CĐS nâng cao năng lực cạnh tranh giữ vững thị phần không để DN vận tải của Việt Nam lại thất thế trên chính sân nhà của mình như trường hợp của Taxi trong thời gian vừa qua.
“Chính vì thế chúng tôi mong muốn sản phẩm của mình có thể phủ càng nhanh thị trường càng tốt và giúp nhiều DN vận tải hành khách đường dài có thể ứng dụng AN VUI nhiều hơn”, ông Mạnh chia sẻ về lý do là một trong 3 đơn vị nền tảng mới tham gia chương trình.
Mặc dù mới tham gia SMEdx nhưng AN VUI đã nhận được tín hiệu hết sức tích cực từ khi có những nhà xe liên hệ và những hợp đồng đầu tiên ký kết từ chương trình. Mục tiêu của AN VUI là qua chương trình sẽ phủ được 800 DN vận tải trong thời gian sau 1 năm, từ đó hiện thực hoá giấc mơ số hoá toàn bộ ngành vận tải hành khách đường dài tại Việt Nam để mang đến lợi ích cho nhà Xe và người tiêu dùng.
Thời gian tới công ty mong muốn sẽ đưa sản phẩm của AN VUI tới các Sở Giao thông Vận tải cấp tỉnh để có thể trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các DN vận tải hành khách của các tỉnh nhằm ứng dụng công nghệ vào quản lý các hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả nhất.
Về những điểm hạn chế của SMEdx, CEO ezCloud cho rằng, do chương trình được thực hiện ngay trong đại dịch, hầu hết các DN đều bị ảnh hưởng nặng nề nên hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Mức độ quan tâm của các DN tại thời điểm này đang liên quan đến bài toán sinh tồn nhiều hơn nên sự ưu tiên cho CĐS chưa phải là ưu tiên cao nhất.
“Để SMEdx có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng sâu rộng thì cần tạo ra các chương trình hợp tác cụ thể với từng Bộ, ngành chủ quản. Ví dụ đối với ngành Du lịch thì cần có chương trình hành động cụ thể giữa Bộ TT&TT và Bộ VHTT&Du Lịch, khi đó Bộ TT&TT là đầu mối về mặt chủ trương còn Bộ VHTT&Du lịch sẽ là đơn vị phối hợp cùng DN nền tảng để thực hiện. Nếu chỉ mình Bộ TT&TT và các DN tham gia SMEdx sẽ khó tạo ra bước đột phá khi thiếu sự chung tay của các Bộ ngành liên quan”, ông Dương nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Mạnh cho rằng, những kinh nghiệm áp dụng và những giải pháp nền tảng tham gia chương trình SMEDx còn ít chưa tạo được sự phong phú. Mặt khác đây là một chương trình hay nhưng còn khá mới mẻ với cả DN nền tảng công nghệ lẫn khách hàng nên cần được đẩy mạnh hơn nữa giúp nâng cao hiệu quả và tính hữu dụng của nó.
Ông Trần Đăng Huy, đại diện Công ty CP Đồng Hành Goldman – hãng xe Đồng Hành Limousine, đơn vị đã kí kết thông qua SMEdx, cho biết, công ty đã tìm hiểu về AN VUI từ trước nhưng chưa có cơ hội tiếp cận, phải đến khi AN VUI tham gia SMEdx thì mới có dịp để sử dụng. Trước đây, công tác điều hành vận tải, lái xe và tiếp nhận đặt chỗ, xếp xe cho khách hàng tiêu tốn thời gian và nhân lực lớn trước đây, khi mà các công việc này phải làm thủ công và dễ gây nhiều vấn đề như bỏ sót hành khách, nhân viên thiếu chuyên nghiệp, lái xe thiếu an toàn do phải tương tác điện thoại quá nhiều… Những sai sót và lãng phí ảnh hưởng lớn đến thương hiệu DN, gây lãng phí nguồn lực con người và lãng phí chi phí vận hành.
“Sau khi sử dụng AN VUI, các vấn đề trên đều đã được giải quyết. Khách hàng đã đánh giá cao về tính chuyên nghiệp của đơn vị vận tải trong việc lưu trữ dữ liệu, phục vụ khách hàng tốt hơn. Nhân viên dần quen với việc điều phối 4.0, qua đó việc vận hành hệ thống vận tải hành khách cũng an toàn hơn, và giảm nhân lực đến 30%”, ông Huy khẳng định.
Từ đó, ông Huy cho biết Đồng Hành Limousine đánh giá rất cao giải pháp của AN VUI và sẽ tiếp tục sử dụng nền tảng này sau thời gian hưởng ưu đãi.
Bộ TT&TT công bố thêm 3 nền tảng số xuất sắc tham gia chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS (SMEdx) của CMC Telecom, Anvui và ITS.
CĐS là “liều thuốc” cho DN nhưng cần “khám bệnh kỹ”
Theo CEO ezCloud Nguyễn Hoàng Dương, thế giới hiện giờ đã chia thành 2 “kỷ nguyên”, đó là trước Covid-19 và sau Covid-19. Bởi vì, đại dịch đã tạo ra một cú huých mạnh mẽ đẩy các SME CĐS nhanh hơn, việc này tạo ra một thói quen kinh doanh và làm việc mới kể cả sau khi tình hình dịch được kiểm soát. Các DN bắt buộc phải CĐS để thích nghi trong một môi trường kinh doanh bất ổn đinh như hiện tại và tôi tin chắc rằng các chủ DN đều thay đổi quan niệm rằng CĐS thực sự không khó và tốn kém như họ đã nghĩ.
“Để DN tồn tại bền vững trong giai đoạn “bình thường mới” sắp tới thì cần có nhiều yếu tố liên quan đến thị trường, mô hình kinh doanh, mức độ sáng tạo và sự thích nghi đối với thị trường hậu Covid-19. Nhưng theo tôi, một trong những yếu tố then chốt nhất đó là CĐS sẽ giúp DN thích nghi nhanh hơn và sáng tạo ra các mô hình kinh doanh mới mà ảnh hưởng của Covid-19 mang lại”, ông Dương nhận định.
Theo đại diện Chương trình SMEdx, mặc dù nhu cầu CĐS của các SME hay bất cứ DN nào hiện tại đều đăng tăng cao nhưng cái khó lớn nhất là việc tiếp cận lại không dễ như giai đoạn trước. Bởi vì, CĐS là chuyển đổi mô hình chứ không đơn giản là ứng dụng, giải pháp. Cho nên, việc tiếp cận trực tiếp, được chỉ dẫn cụ thể vẫn là một phần quan trọng trong hoạt động CĐS của DN.
Đồng thời, khi chưa tiếp cận, ứng dụng được CĐS sớm thì DN cần phải sẵn sàng chuẩn hoá các bước chuẩn bị về nhân sự, về mục tiêu ngắn và trung hạn khi bắt đầu tiến hành. “CĐS không có nghĩa là ngay lập tức tháng sau, tuần sau có sự cải thiện về kết quả sàn xuất kinh doanh vì giai đoạn đầu của thay đổi thậm chí sẽ là bỡ ngỡ của nhân sự, là sự phản khán của các quy trình, tiêu chuẩn cũ khiến cho DN chùng lại. Do đó, chủ DN cần xác định rõ điều này để có sự kiên trì vừa đủ cho con đường CĐS của mình”, đại diện Chương trình SMEdx chia sẻ.
Đánh giá về điểm yếu của các SME khi CĐS, ông Dương cho rằng, đó là tư duy của lãnh đạo, khi CDS thì bắt buộc những người chủ DN phải can đảm phá bỏ đi các cách làm cũ, suy nghĩ cũ, thói quen cũ. Chính họ phải là người đầu tiên thay đổi, chấp nhận cái mới thì cái mới mới có cơ hội được áp dụng. CĐS không phải là “cây đũa thần chạm vào là thành vàng” nên để thành công cần thời gian và sự cam kết quyết liệt của những người lãnh đạo.
Còn theo ông Mạnh, CĐS là một liều thuốc cho DN nhưng để uống thuốc cần phải được khám chữa bệnh rất kỹ, vì kể cả thuốc bổ uống nhiều cũng thành độc dược. Vì vậy, để CĐS thành công, DN cần phải đánh giá toàn diện lại hệ thống hiện tại từ đó CĐS từng phần hay toàn bộ dựa vào nguồn kinh phí và văn hoá hiện tại.
Tiếp theo, cần phải nhìn nhận rõ được ưu nhược điểm của CĐS đặc biệt là đối với các SME. Về điểm yếu có thể thấy rằng SME thường có tài chính thường eo hẹp và ít dự phòng vì thế nguồn kinh phí cho CĐS là một vấn đề khó khăn. Tiếp đến, SME dù có tính cơ động cao nhưng tính tổ chức lại chưa chặt chẽ, dẫn đến việc sẽ gặp các rào cản về thói quen làm ảnh hưởng tới việc CĐS.
Tuy nhiên, đại diện Chương trình SMEdx lại cho rằng, điểm yếu hiện tại của SME không phải là tài chính như nhiều người vẫn nghĩ do các giải pháp số hiện tại đã quá rẻ rồi. Cái khó của SME là mô hình quản trị lâu nay thường mang tính chủ quan, duy ý chí của chủ DN. Do đó, cách tiếp cận của SME là sử dụng công cụ số theo từng nấc tuỳ theo nhu cầu, hoạt động cụ thể. Đây là một cách “đi chậm nhưng chắc” để có thể đáp ứng đúng nhu cầu của DN và tạo ra sự thay đổi trong nhận thức chung về CĐS./.
Nguồn: ictvietnam.vn