OTA là gì? Thị trường này đem đến cho khách sạn những tiềm năng gì? Đó là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra khi bắt đầu kinh doanh khách sạn. Để cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn về thị trường OTA ở Việt Nam, cũng như những lợi thế, tiềm năng mà khách sạn nhận được từ hình thức đặt phòng này, ezFolio xin giới thiệu đến độc giả trong bài viết dưới đây
1. OTA là gì?
OTA là một thuật ngữ viết tắt của Online Travel Agency, nó được hiểu là đại lý du lịch (Travel Agency – TA) bán sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua kênh trực tuyến (Online – O). Hiểu một cách đơn giản, OTA là đại lý du lịch trực tuyến, bán các sản phẩm dịch vụ du lịch như: phòng khách sạn, tour du lịch, vé máy bay,…cho các đơn vị cung cấp những dịch vụ ấy. Tất cả các dịch vụ mua bán, thanh toán, tìm kiếm thông tin đều được thực hiện thông qua hình thức online.
2. Nghiên cứu thị trường OTA ở Việt Nam
Với sự bùng nổ của Internet và các thiết bị công nghệ đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và thói quen sinh hoạt của mỗi nếp nhà. Đó cũng là tiền đề cho sự ra đời của các kênh OTA – website đặt phòng trực tuyến. Và tất nhiên, sự ra đời đó đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến xu thế phát triển ngành công nghiệp không khói trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Xem thêm:
- Những kênh OTA đang “làm mưa, làm gió” tại thị trường Việt Nam
- Tại sao bạn nên bán phòng khách sạn trên nhiều kênh OTA hơn?
Khi nhắc đến các kênh OTA uy tín hàng đầu thế giới, không thể nào không nhắc đến Booking.com, Agoda.com, Expedia.com hay Tripadvisor, … đây là những thương hiệu OTA lớn mạnh được biết đến với doanh thu khổng lồ được công bố mỗi năm. Nếu như, Booking.com, là ‘ông hoàng’ nắm giữ gần như toàn bộ thị trường châu Âu, thì Agoda.com lại sở hữu những thế mạnh đặc biệt và nhận được nhiều sự ưu ái tại thị trường Á.Với một quốc gia có tiềm năng du lịch lớn như Việt Nam thì việc xâm nhập và phát triển của loại hình dịch vụ trực tuyến này là điều tất nhiên.
Với sự ra đời của phiên bản tiếng Việt vào năm 2010, đã dần khẳng định vị thế của Agoda.com trong lòng khách hàng du lịch trên dải đất hình chữ S này. Tính đến nay, kênh OTA này đã hợp tác với hơn 20.000 khách sạn trên khắp các tỉnh thành Việt Nam, triển khai nhiều dịch vụ du lịch từ đặt vé máy bay, đặt tour hay phòng nghỉ khách sạn. Ngoài ra, “những gã khổng lồ” như Expedia.com, Booking.com cũng không bỏ qua “miếng mồi béo bở” này khi đẩy mạnh đầu tư và khai thác tại thị trường Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng đối tượng của họ vẫn chủ yếu là khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.
Đứng trước xu thế phát triển của thời đại cũng như sự xâm nhập mạnh mẽ của các kênh OTA ngoại, các website đặt phòng trực tuyến của Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện để khai thác những tiềm năng vốn có của quốc gia và dần khẳng định vị trí của mình trên thị trường, trong đó phải kể đến một số OTA như: Chudu24.com, iVIVU.com, Mytour.vn hay Vntrip.vn
Với xu hướng phát triển của ngành công nghiệp không khói, trong những năm gần đây, thị trường du lịch Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về chất lượng cũng như sự đa dạng hoá các loại hình dịch vụ. Và đây chính là tiền đề quan trọng để các OTA “bành trướng lãnh thổ” và đóng góp đáng kể vào doanh thu của các cơ sở lưu trú.
Xem thêm:
- Đặt phòng khách sạn trực tuyến OTA: Xu hướng đang bùng nổ ở Việt Nam
- Hợp tác với OTA – chiến lược khôn ngoan trong kinh doanh khách sạn
Theo như khảo sát mới đây về ngành dịch vụ khách sạn năm 2016 của Grant Thornton Việt Nam cho thấy, tỷ trọng doanh thu từ hình thức đặt phòng trực tiếp và qua các công ty lữ hành đều có xu hướng giảm với biên độ khoảng 5%. Đa số tỷ lệ giảm đó được thay thế bằng các kênh OTA. Theo số liệu thống kê được từ cuộc khảo sát này, doanh thu từ các kênh OTA chiếm tới 21,9% tổng doanh thu của các khách sạn trong 1 năm và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới theo như dự báo của các chuyên gia Grant Thornton Việt Nam.
Cũng theo nghiên cứu này, năm 2015 doanh thu mà thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam (cả đặt phòng khách sạn và vé máy bay) thu được là 2,2 tỷ USD và theo dự báo của Grant Thornton Việt Nam thì đến năm 2025 con số này sẽ cán mốc 9 tỷ USD. Với những con số này, chúng ta có thể thấy được sự ảnh hưởng của các kênh OTA đến sự phát triển của khách sạn là rất lớn.
Nếu bạn đang chuẩn bị kinh doanh mô hình lưu trú thì không nên bỏ qua phương thức bán phòng vô cùng hấp dẫn này!