Tuân thủ quy trình dọn phòng khách sạn giúp tiết kiệm thời gian, đảm bảo chất lượng phòng và ghi điểm tuyệt đối với khách hàng

Tình trạng vệ sinh phòng khách sạn luôn là yếu tố mà khách hàng cân nhắc hàng đầu. Họ cần không gian phòng được đảm bảo sạch sẽ, thơm tho và thoáng mát. Đặc biệt là với những phòng đã được lượt khách khác sử dụng ngay trước đó bên cạnh việc vệ sinh phòng trống. Thời gian chuyển giao phòng cũng không có quá nhiều. Do đó, nhân viên vệ sinh cần đảm bảo dọn phòng đúng tiêu chuẩn và quy định để tiết kiệm thời gian và đáp ứng chất lượng phòng. Cùng ezCloud tìm hiểu ngay quy trình dọn phòng chuẩn chỉnh nhất.

1. Quy trình dọn phòng khách sạn là gì?

Dọn phòng khách sạn là hoạt động diễn ra thường xuyên, nhằm đảm bảo không gian sạch sẽ, thoải mái nhất cho khách. Nó được diễn trước-trong-sau xuyên suốt thời gian lưu trú của khách. Đặc biệt vào thời điểm cao điểm với lượng khách hàng lớn, việc dọn phòng càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Hàng ngày, khách sạn đón hàng trăm, hàng nghìn lượt khách khác nhau. Chưa kể, không ai muốn nghỉ ngơi trong một căn phòng đã qua sử dụng mà chưa được dọn dẹp sạch sẽ. Do vậy, để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, đội ngũ dọn phòng cần đảm bảo chất lượng phòng tốt nhất với quy trình dọn phòng khách sạn tiêu chuẩn.
Quy trình dọn phòng khách sạn (Hotel room cleaning process) bao gồm các bước vệ sinh phòng khách mà một nhân viên buồn phòng cần đảm nhận và tuân thủ. Nó được quy định rõ ràng nhằm đảm bảo công việc dọn phòng được diễn ra khoa học, nhanh chóng và đúng tiêu chuẩn. Tuân thủ chuẩn chỉnh giúp nhân viên thực hiện ngăn nắp, vệ sinh hiệu quả và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhớ và tuân thủ một cách hiệu quả.

2. Thứ tự ưu tiên dọn phòng trong khách sạn

Với sự thay đổi liên tục về các lượt nhận phòng và trả phòng, việc vệ sinh phòng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nhiều khách sạn đã tối ưu và giải quyết tình trạng này bằng cách thiết lập thứ tự ưu tiên dọn phòng. Nó phụ thuộc vào loại phòng và tình trạng phòng. Nhìn chung, thứ tự ưu tiên trong quy trình dọn phòng được quy định như sau:

  • Phòng VIP, các loại phòng dịch vụ cao cấp: Khách hàng lựa chọn những phòng này với mong muốn được trải nghiệm dịch vụ cao cấp, tiện nghi và chất lượng nhất. Do đó, nhân viên vệ sinh sẽ cần phải quan tâm nhiều hơn. Cụ thể là ưu tiên vệ sinh hàng đầu cho buồng khách VIP.
  • Buồng khách trả: Sau khi khách trả phòng, nhân viên dọn phòng cần thực hiện kiểm tra các dịch vụ mà khách đã sử dụng để lập hóa đơn thanh toán. Sau đó, tiến hành vệ sinh nhanh chóng đảm bảo phòng sạch và sẵn sàng phục vụ lượt khách tiếp theo.
  • Buồng khách có yêu cầu đột xuất: Nhân viên vệ sinh luôn sẵn sàng mang đến không gian sạch sẽ và thoải mái nhất dành đến khách lưu trú. Do đó, ngay khi khách có yêu cầu, nhân viên vệ sinh sẽ được phân công và nhanh chóng thực hiện công việc.

Xem thêm:

3. Tổng quan chung về quy trình dọn phòng khách sạn

Để đạt hiệu quả tiêu chuẩn phòng, bộ phận vệ sinh, housekeeping cần đảm bảo thực hiện đúng quy trình dọn phòng được quy định. Quy trình chung gồm 5 bước. Cùng ezCloud khám phá ngay. 

  • Bước 1: Chuẩn bị trước khi làm vệ sinh

Chuẩn bị đối với nhân viên vệ sinh: Nhân viên phải đảm bảo tác phong chuyên nghiệp, đầu tóc gọn gàng, trang phục chỉn chu. Đồng thời, không thể thiết đồ bảo hộ vệ sinh cùng tinh thần, thái độ tốt để chuẩn bị cho công việc.
Chuẩn bị máy móc, dụng cụ, hóa chất vệ sinh: Chuẩn bị đầy đủ các loại máy móc, dụng cụ, hóa chất cần thiết như chổi, cây lau nhà, hóa chất tẩy rửa, vệ sinh,… Tất cả phải đảm bảo hoạt động tốt và an toàn trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, cần chuẩn bị các đồ bổ sung như giấy vệ sinh, sữa tắm, nước rửa tay, khăn tắm, bộ chăn ga mới,… đầy đủ. Tất cả phải được sắp xếp gọn gàng để sử dụng hiệu quả và chuyên nghiệp.

sắp xếp đồ dùng trên xe đẩy

  • Bước 2: Đặt biển thông báo

Nếu có khách đang lưu trú, bộ phận dọn dẹp cần đảm bảo cảnh báo khu vực đang tiến hành vệ sinh để khách tránh di chuyển lại khu vực đó và có thể không cần đặt biển. Bởi sàn ướt, trơn có thể khiến khách hàng gặp sự cố như trơn, trượt,… Trong trường hợp dọn phòng khách check out rồi hoặc đang lưu trú nhưng không có ở trong phòng, cần đặt biển thông báo đang dọn phòng ở cửa phòng.

  • Bước 3: Tiến hành dọn phòng theo quy trình vệ sinh phòng khách sạn.
  • Bước 4: Kiểm tra sau khi làm vệ sinh.

Sau khi vệ sinh xong, nhân viên cần đảm bảo kiểm tra lại các đồ dùng, tình trạng phòng đã đạt chuẩn hay chưa. Từ đó, đảm bảo vệ sinh đầy đủ các khu vực. Ngoài ra, tuyệt đối không được tự ý di chuyển đồ dùng của khách.

  • Bước 5: Hoàn thành việc dọn buồng phòng

Sau khi đảm bảo phòng đúng tiêu chuẩn, thu gọn các máy móc, dụng cụ vệ sinh để tập hợp lại xe làm vệ sinh. Ký checklist đã hoàn thành vệ sinh của phòng cụ thể.

4. Quy trình dọn phòng khách sạn theo tình trạng phòng

Tùy theo tình trạng phòng mà có quy trình vệ sinh riêng được áp dụng. Từ đó, nhằm tối ưu hiệu quả, tiết kiệm thời gian và đảm bảo trải nghiệm với khác hàng.

4.1 Quy trình vệ sinh phòng khách sạn khí có khách đang lưu trú

  • Xin phép trước khi vào phòng

Trước khi gõ cửa, nhân viên cần quan sát có biển treo trên tay nắm cửa không. Nếu có biển “Xin hãy dọn phòng” hoặc không có gì, nhân viên có thể thực hiện công việc. Sau đó, gõ nhẹ cửa và nói hai lần câu: Xin chào, tôi là nhân viên dọn phòng. Đợi khoảng 20 giây, nếu không nhận được phản hồi thì gõ cửa lần nữa.
Nếu khách trả lời, xin lỗi khách và nói sẽ quay trở lại sau. Tuyệt đối, không dọn phòng khi đang có khách ở đó. Trừ trường hợp có yêu cầu hoặc chỉ đạo đặc biệt, nhân viên mới làm phòng khi có khách. Nếu không có khách, nhân viên bắt đầu thực hiện công việc như thông thường. Sau đó, cần cập nhật tình trạng trong bảng theo dõi công việc.
Nếu gõ 3 lần vẫn không có tiếng trả lời, nhân viên mới mở cửa vào dọn phòng.

  • Mở cửa vào phòng

Khi chắc chắn khách không có trong phòng, nhân viên sẽ dùng khóa phòng để mở cửa. Mở rộng cửa và dùng dụng cụ để chèn cửa.

  • Đặt xe đẩy và các thiết bị làm việc

Đặt xe đẩy phía trước cửa đã mở. Xoay hướng xe có đồ vải vào bên trong phòng để thuận tiện lấy khi cần. Đưa các dụng cụ vệ sinh, máy hút bụi, xô, chổi, cây lau sàn và giỏ các dụng cụ vệ sinh khác vào phòng.

  • Mở rèm cửa và cửa sổ

Mở, kéo, buộc gọn tất cả rèm cửa và cửa sổ trong phòng nếu thời tiết cho phép nhằm tận dụng ánh sáng tự nhiên khi làm việc.

  • Tắt hoặc điều chỉnh các thiết bị trong phòng

Điều chỉnh các thiết bị trong phòng, như đèn, điều hòa theo quy định.Đồng thời, kiểm tra, báo cáo tình trạng hoạt động để có thể điều chỉnh, thay lắp kịp thời.

  • Nhặt bỏ rác trong toàn bộ phòng

Cần kiểm tra rác có lẫn những đồ dùng, dụng cụ giá trị nào của khác không. Hoặc khu vực gầm bàn, ghế, giường, tủ,… Nếu phát hiện, cần báo ngay cho giám sát ca. Đổ rác từ giỏ và gạt tàn vào túi rác trên xe đẩy. Riêng khay thức ăn, bát đĩa, ly từ Room service, nhân viên vệ sinh sẽ liên hệ hoặc mang trả lại cho bộ phận F&B tùy quy định.

  • Kiểm tra đồ cần bảo dưỡng, sửa chữa

Kiểm tra đồ nội thất, các thiết bị xem có bị hư hỏng hay có vấn đề gì không. Nếu có, cần báo cáo ngay với giám sát ca.

  • Tháo, loại bỏ đồ vải bẩn

Nhặt các vật dụng của khách trên giường để lên bàn. Chú ý kiểm tra kỹ không để lẫn đồ đạc, vật dụng cá nhân của khách vào đồ vải bẩn. Tháo ga giường, vỏ gối, vỏ chăn, kiểm tra miếng lót đệm, bề mặt đệm. Thu gom các đồ vải bẩn trong phòng ngủ, nhà vệ sinh. Thu dọn đồ cho vào túi/ giỏ đồ vải bẩn trên xe đẩy. Cần lưu ý để riêng đồ vải bẩn khô và ướt.

  • Thay đồ vải sạch

Sau khi thu dọn những đồ bẩn, thay thế bằng đồ vải sạch. Chú ý tay phải sạch và khô khi dọn phòng.

  • Làm sạch bụi

Tiến hành làm sạch bằng khăn lau và máy hút bụi ở các bề mặt, đồ nội thất. Với những vết bẩn cứng đầu, cần xịt hóa chất vào khăn và lau nhẹ nhàng đồ vật. Tuyệt đối không xịt trực tiếp lên bề mặt. Trong quá trình lau, không tự ý di chuyển lung tung hoặc tháo rời các đồ đạc cá nhân của khách.

  • Kiểm tra, bổ sung đồ dùng trong phòng

Kiểm tra số lượng và tính trạng các đồ dùng. Nếu hư hỏng hoặc thiếu, cần tiến hành bổ sung đầy đủ và báo cáo để sửa chữa kịp thời. Riêng với đồ minibar, chỉ bổ sung khi khách yêu cầu. Một số đồ dùng cần kiểm tra như: danh bạ, các vật dụng văn phòng phẩm, hộp giấy ăn, giỏ – danh mục giặt là, thực đơn, biển báo, cốc, gạt tàn…

  • Hút bụi – lau sàn

Thực hiện hút bụi phòng từ cuối phòng ra phía cửa. Chú ý đến mọi ngóc ngách như dưới gầm giường, gầm bàn, gầm tủ… và khe trong phòng. Đối với sàn gỗ và sàn gạch men, sau khi hút bụi xong thì lau lại bằng nước lau sàn.

  • Dọn nhà vệ sinh

– Rửa ly, cốc sạch sẽ và úp ngay ngắn, đúng vị trí
– Vệ sinh phòng tắm, phòng vệ sinh bao gồm bồn rửa mặt, bồn tắm, bồn cầu, nhặt rác vương lại ở lỗ thoát nước
– Lau sạch bề mặt gương, lavabo
– Bổ sung giấy vệ sinh, vật dụng amenities nếu hết
– Lau dọn sạch sẽ sàn phòng vệ sinh

  • Kiểm tra lại toàn bộ phòng

Kiểm tra lại toàn bộ căn phòng kỹ càng để đảm bảo mọi thứ đã được làm sạch theo đúng tiêu chuẩn. Đảm bảo phòng sạch sẽ, thoáng mát, không có vết bẩn và mùi lạ. Không để các vật dụng vệ sinh trong phòng. Ngoài ra, cần kéo rèm và đóng cửa sổ lại trước khi ra khỏi phòng. Cuối cùng, điền vào bảng tình trạng buồng là buồng khách đang ở đã được làm sạch.

  • Ra khỏi phòng và đóng cửa

Di chuyển xe đẩy và các vật dụng ra khỏi phòng. Cuối cùng, đóng cửa và khóa phòng.
Việc xây dựng quy trình dọn phòng có khách đang lưu trú hoàn hảo sẽ giúp nhân viên không bỏ sót công việc, dễ dàng quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ.

hút bụi sàn phòng

4.2. Quy trình dọn phòng khách trả

Sau khi khách hoàn tất check out, nhận viên cần nhanh chóng vệ sinh phòng để đảm bảo cho lượt khách nhận phòng tiếp theo. Lúc này, nhân viên vệ sinh cần kiểm tra tình trạng sử dụng thiết bị, dịch vụ của khách. Sau đó, báo cáo lại bộ phận chức năng để thực hiện lập hóa đơn thanh toán. Các bước sau đó gần như giống với quy trình dọn phòng có khách lưu trú. Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt sau:

  • Thời gian vệ sinh có thể lâu hơn: Tất cả các phòng đều phải được kiểm tra kỹ càng. Đồng thời, vệ sinh sạch sẽ, bổ sung và thay mới những vậy dụng cần thiết. Do đó, khối lượng thường nhiều và thời gian cũng lâu hơn.
  • Không có đồ cá nhân của khách: Khi rời đi, khách thường đã mang theo những vật dụng cá nhân. Tuy nhiên, nhân viên vệ sinh vẫn cần kiểm tra, lưu ý đồ thất lạc của khách. Đồng thời, báo cáo lại với giám sát, trưởng ca để được giải quyết nhanh chóng.
  • Thay mới toàn bộ đồ vải và bổ sung đồ dùng: Các đồ vải bẩn được thay mới. Bổ sung các đồ dùng thiết yếu như dầu gội, bàn chải, khăn tắm, nước rửa tay… 
  • Kiểm tra cơ sở vật chất của khách sạn trước khi khách rời đi: Khi thực hiện dọn vệ sinh, nhân viên cần kiểm tra tất cả đồ đạc, thiết bị trong phòng. Thống kê , báo cáo tình trạng thiết hụt hay hỏng hóc gì không. 

kiểm tra phòng khách sạn

Xem thêm:

5. Quy trình dọn phòng khách sạn theo vị trí phòng

Trong phòng cũng cần tuân theo quy trình vệ sinh nhất định theo vị trí phòng. Thứ tự thường được áo dụng là phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp, phòng tắm và toilet. Tất cả phải đảm bảo được vệ sinh đúng tiêu chuẩn.

5.1. Các bước vệ sinh phòng ngủ khách sạn

Phòng ngủ khách sạn là vị trí cần vệ sinh nhiều hơn cả. Bởi đây là khu vực khách hàng thường xuyên sử dụng. Do đó, cần đảm bảo vệ sinh cẩn thận và sạch sẽ. Các bước vệ sinh phòng khách sạn với phòng ngủ được quy định như sau:

  • Bước 1: Tắt hệ thống thiết bị điều hòa, sưởi.
  • Bước 2: Kéo rèm và mở cửa sổ nếu điều kiện thời tiết cho phép để đảm bảo không gian thoáng mát khi dọn phòng.
  • Bước 3: Thu gom đồ dùng, vật dụng bị bẩn (vỏ gối, vỏ chăn ga…) cho vào túi đựng đồ bẩn trên xe đẩy vệ sinh. Không được đặt dưới sàn.
  • Bước 4: Kiểm tra các thiết bị, đồ điện trong phòng về tình trạng thiếu hút, khả năng hoạt động và kiểm tra đồ thất lạc của khách.
  • Bước 5: Sắp xếp, bổ sung thêm những đồ dùng cần thay lại mới (nếu cần).
  • Bước 6: Vệ sinh hệ thống cửa.
  • Bước 7: Vệ sinh các thiết bị treo tường.
  • Bước 8: Vệ sinh các đồ dùng, vật dụng trong phòng nếu thiếu.
  • Bước 9: Vệ sinh ban công (nếu cần thiết).
  • Bước 10: Làm sạch, hút bụi toàn bộ mặt sàn và các ngóc ngách.
  • Bước 11: Sắp xếp lại các đồ đạc trong phòng ngăn nắp, gọn gàng và đúng vị trí.
  • Bước 12: Kéo rèm, đóng cửa sổ và tắt điện.
  • Bước 13: Kiểm tra bao quát lại lần cuối và ký checklist.

thay chăn ga mới

5.2. Các bước vệ sinh phòng khách khách sạn

Những khách sạn cao cấp, sang trọng thường bao gồm cả phòng khách. Diện tích khá rộng và chứa nhiều đồ dùng, thiết bị sinh hoạt nên cần chú ý kỹ lưỡng khi vệ sinh. Quy trình dọn phòng trong khách sạn với phòng khách bao gồm các bước sau:

  • Bước 1: Tắt hệ thống điều hòa không khí, hệ thống sưởi.
  • Bước 2: Kéo rèm và mở cửa sổ nếu điều kiện thời tiết cho phép.
  • Bước 3: Thu dọn đồ vật bẩn gồm cốc, chén, lọ hoa, gạt tàn… vào phòng bếp.
  • Bước 4: Thu gom rác và thay túi rác.
  • Bước 5: Kiểm tra các thiết bị, đồ điện trong phòng (đảm bảo vẫn hoạt động tốt) và kiểm tra đồ thất lạc của khách (để chắc chắn khách không quên đồ).
  • Bước 6: Làm sạch cửa, khung cửa, kính.
  • Bước 7: Làm sạch các thiết bị treo tường.
  • Bước 8: Làm sạch các đồ dùng, vật dụng trong phòng như đèn trang trí, ngăn kéo kệ tivi, tranh treo tường, đồ trang trí khác…
  • Bước 9: Làm sạch ban công (nếu có).
  • Bước 10: Làm sạch sàn, làm sạch các mép chân tường.
  • Bước 11: Sắp xếp lại các đồ đạc trong phòng.
  • Bước 12: Kéo rèm, đóng cửa sổ, tắt điện.
  • Bước 13: Kiểm tra tổng quan lần cuối và ký checklist.

dọn phòng khách

5.3. Các bước vệ sinh phòng bếp khách sạn

Khách sạn cao cấp hay khu biệt thự nghỉ dưỡng sẽ bao gồm cả phòng bếp để tiện cho khách ở lâu và cần không gian riêng tư. Quy trình vệ sinh phòng bếp khách sạn bao gồm các bước sau:

  • Bước 1: Rửa sạch các công cụ, đồ dùng bếp bẩn như ly, cốc, bát,… Sau đó, sắp xếp gọn gàng lên giá.
  • Bước 2: Vệ sinh tủ, kệ đựng bát, đĩa…
  • Bước 3: Vệ sinh các trang thiết bị điện tử cẩn thận như tủ lạnh, bếp ga, lò vi sóng…
  • Bước 4: Vệ sinh cửa, thiết bị treo tường, khung cửa, bệ cửa, vách cửa…
  • Bước 5: Làm sạch bồn rửa bát đĩa.
  • Bước 6: Thu gom rác, vệ sinh sạch sẽ và thay túi rác mới.
  • Bước 7: Kiểm tra kỹ càng lần cuối để đảm bảo phòng sạch sẽ đúng tiêu chuẩn và ký checklist.

5.4. Các bước vệ sinh phòng tắm và toilet khách sạn

Phòng tắm và toilet trong khách sạn thường là một trong những vấn đề mà khách hàng thường lo ngại. Do đó, những khu vực này cần đảm bảo tuyệt đối vệ sinh sạch sẽ và thơm tho. Quy trình dọn phòng tắm và toilet bao gồm những bước sau:

  • Bước 1: Thu gom đồ vải như khăn tắm, khăn mặt,… đã qua sử dụng vào túi đựng đồ bẩn trên xe đẩy vệ sinh phòng.
  • Bước 2: Cọ rửa, phun hóa chất vệ sinh xung quanh và bên trong bệ tẩy, bồn cầu và nhấn nút xả nước.
  • Bước 3: Quét dọn, lau sàn, bệ rửa mặt và xung quanh tường.
  • Bước 4: Làm sạch nắp thoát sàn.
  • Bước 5: Vệ sinh các thiết bị gắn tường, tường, cửa.
  • Bước 6: Vệ sinh gương, vòi nước, chậu rửa tay.
  • Bước 7: Vệ sinh bồn tắm hoặc phòng tắm kính (nếu có).
  • Bước 8: Bổ sung khăn sạch, giấy vệ sinh, sữa tắm, nước rửa tay mới,…
  • Bước 9: Xịt khử mùi, làm thơm phòng và làm sạch sàn.
  • Bước 10: Thu gom thùng rác và thay túi rác.
  • Bước 11: Kiểm tra tổng quan lần cuối và ký check list.

dọn phòng toilet

6. Một số lưu ý với nhân viên dọn buồng phòng

Để đảm bảo trải nghiệm khách hàng, nhân viên dọn phòng có vai trò rất quan trọng. Họ cần đảm bảo một số yếu tố và lưu ý sau:

  • Tuân thủ quy trình dọn phòng theo từng trường hợp.
  • Chăm chỉ, tỉ mỉ, cẩn thận.
  • Trung thực, chân thành.
  • Trang bị bảo hộ lao động tốt trong quá trình dọn vệ sinh. 

trang bị khi dọn phòng

Trên đây là tất tần tật những thông tin về quy trình dọn phòng. Bao gồm khái niệm, vai trò, thứ tự dọn phòng ưu tiên và quy trình dọn phòng hiệu quả dựa trên một số yếu tố nhất định. Việc tuân thủ quy trình giúp đảm bảo hiệu quả và tiêu chuẩn vệ sinh phòng khách sạn. Từ đó, giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Theo dõi ngay những vài viết hữu ích của ezCloud về nghiệp vụ khách sạn để có những trang bị tốt nhất.

4.7/5 - (4 bình chọn)
Bài viết liên quan
ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ (MIỄN PHÍ)
Không cần cài đặt | Không cần thanh toán
ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ (MIỄN PHÍ)